.

Bệnh tay - chân - miệng tăng mạnh

.

Những ngày qua, Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tục tiếp nhận từ 15-25 ca nhập viện do bệnh tay - chân - miệng (TCM) và rơi vào tình trạng quá tải.

Nhiều bệnh nhân phải nằm điều trị ngoài hành lang Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. 		 	              Ảnh: MAI VY
Nhiều bệnh nhân phải nằm điều trị ngoài hành lang Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: MAI VY

Sáng 21-2, tại Khoa Y học nhiệt đới Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, hàng loạt bệnh nhân phải trải ghế gấp nằm trên hành lang để điều trị bệnh. Chị Nguyễn Thị Huyền Anh (26 tuổi, trú xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có con là Huỳnh Đức Đạt (1 tuổi) kể: “Cách đây khoảng 10 ngày, con tôi sốt cao khoảng 40 độ C, nổi hột ở mông và lòng bàn tay. Cứ nghĩ cháu bị muỗi đốt nên đưa đến trạm y tế xã. Sau đó, trạm này chuyển cháu lên bệnh viện huyện nhưng bệnh càng nặng thêm. Vì vậy, bệnh viện huyện đã chuyển cháu ra đây”. Điều trị trong một tuần tại Khoa Y học nhiệt đới, đến nay sức khỏe của cháu Đạt đã hồi phục tốt, bệnh thuyên giảm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu (29 tuổi, trú thôn 19, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), có con là Trần Thị Ngọc Hạnh (29 tháng tuổi), cho biết: “Ban đầu, gia đình đưa cháu đến trạm y tế xã. Có lẽ do nhập viện trong tình trạng co giật, mụn nổi lên ở tay, chân nên trạm y tế chẩn đoán là sốt siêu vi. Gia đình tôi không an tâm nên đưa cháu ra Đà Nẵng nhập viện thì mới biết cháu bị bệnh TCM”.
Trong năm 2011, hầu hết các trẻ mắc bệnh đều từ 1-2 tuổi, nhưng hiện nay, các trẻ lớn hơn cũng đang có dấu hiệu nhiễm bệnh và tăng nhanh. Chị Nguyễn Thị Diệp (37 tuổi, trú xã Quế Phú) nói: “Con bé nhà tui năm nay 4 tuổi, tưởng nó qua tuổi nhiễm bệnh TCM rồi nên không để ý đến việc vệ sinh và chăm sóc hằng ngày. Nhưng đâu ngờ cháu cũng bị bệnh này”.

Người nhà của các bệnh nhi trên đều cho biết, tất cả các em đều ở nhà với ông bà, cha mẹ do ra Tết vẫn chưa chịu đến trường, không tiếp xúc với các trẻ em khác nhưng lại nhiễm bệnh. Như vậy, xét về nguyên nhân dẫn đến việc trẻ mắc bệnh phải chăng do lây từ người lớn khi tiếp xúc với nguồn bệnh? Song, người lớn có sức đề kháng khá cao nên không phát bệnh, còn trẻ em có sức đề kháng yếu nên bệnh dễ phát. Đây cũng là khuyến cáo của các bác sĩ rằng người lớn ra ngoài cần biết cách bảo vệ bản thân, tránh mang nguồn bệnh về gia đình.

Hầu hết bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đều ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một phần ở thành phố Đà Nẵng. Theo thống kê, có khoảng 130 ca đang điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới của trung tâm, trong đó 15 ca nặng, nhưng khoa này chỉ có 25 giường bệnh. Riêng trên địa bàn Đà Nẵng có 31 ca (1 ca đã tử vong). Các bác sĩ khuyến cáo do vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh TCM nên phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn uống bảo đảm chất dinh dưỡng, giữ vệ sinh, thường xuyên theo dõi sức khỏe của các cháu khi ở trường. Nếu phát hiện trẻ nhiễm bệnh, phải đưa đến ngay các cơ sở y tế chứ không nên tự mua thuốc cho trẻ uống.     

Bài và ảnh: MAI VY
 

;
.
.
.
.
.