.

Hạnh phúc nghề y

.

Áp lực lớn, trách nhiệm nặng nề... là những gì mà các y, bác sĩ thường đối mặt hằng ngày, hằng giờ. Song, với người thầy thuốc chân chính, niềm hạnh phúc lớn nhất là khi nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân đã qua cơn bạo bệnh.

Bệnh nhân đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, các y, bác sĩ luôn phải túc trực thường xuyên để cứu chữa những bệnh nhân bệnh nặng, thậm chí trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Cả khoa đều tập trung hết sức vào việc chăm sóc bệnh nhân, không một phút lơ là.

Bác sĩ như người thân

Bệnh nhân Đàm Thị Hoài Thương (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng từ cuối tháng 12-2011 trong tình trạng hết sức nguy kịch. Sau 8 lần hội chẩn viện, hàng chục lần hội chẩn khoa, 8 lần mổ nhưng bệnh của Thương vẫn chưa thuyên giảm. Suốt thời gian chữa trị, Thương luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc, cứu chữa tận tình của các y, bác sĩ trong khoa. Bà Trương Thị Huệ, mẹ bệnh nhân Thương, tâm sự: “Các bác sĩ ở đây cố gắng lo cho Thương từng giờ từng phút, theo dõi sát sao tình hình bệnh. Lúc thấy con đau, mình xót nên tỏ thái độ không vừa lòng nhưng nghĩ lại, thấy các y, bác sĩ trong khoa đều tận tình giúp đỡ nên rất an tâm”. Bác sĩ Nguyễn Đức Lư, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết: “Trường hợp của Thương rất đặc biệt, vì bệnh nhân chuyển vào khoa với tình trạng bệnh rất nặng. Đến giờ, sau hơn 2 tháng điều trị, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân coi các y, bác sĩ như người thân của mình”.

Hằng ngày, Khoa Hồi sức cấp cứu thường tiếp nhận những trường hợp bệnh nặng, số bệnh nhân nằm điều trị vượt quá số giường hiện có. Hầu như các y, bác sĩ tại đây không biết đến ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Càng áp lực hơn khi chỉ cần một chút lơ là của y, bác sĩ thì người nhà bệnh nhân có thể nổi nóng, bức xúc. Không ít người thậm chí dùng những lời lẽ nặng nề, quát tháo với các y, bác sĩ. Trước những trường hợp như vậy, bác sĩ Lư luôn nhắc nhở nhân viên: “Người nhà bệnh nhân luôn mong nhận được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ đối với người bệnh, nên nếu họ nôn nóng, bức xúc cũng là điều hiển nhiên. Dẫu vậy, mình vẫn phải nhẫn nại, nhẹ nhàng và kiên trì làm tốt công việc, đồng thời phải hết sức chú ý đến tâm lý tiếp xúc với bệnh nhân và người thân của họ. Dù không hiểu lắm về chuyên môn, nhưng điều mà họ cần thấy rõ nhất là sự quan tâm, đồng cảm và sẻ chia của các y, bác sĩ. Họ chỉ đánh giá trước hết ở tác phong và thái độ làm việc của y, bác sĩ”.

Hết lòng vì bệnh nhân

Đến cảm ơn các y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu và làm các thủ tục xuất viện cho vợ, ông Nguyễn Thanh Hương (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) nói: “Vợ tôi điều trị ở khoa từ tháng 12-2011 do bị tai biến, xuất huyết não. Các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, giỏi tay nghề, điều dưỡng thì tận tâm, ân cần. Đến giờ, vợ tôi đã hồi phục và ổn định sức khỏe”.

Sự ghi nhận chân thành của những người như ông Hương là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với các y, bác sĩ trong khoa. Bởi thực tế, chuyện y đức, y đạo của y, bác sĩ vẫn thường được đề cập ở các góc độ trái chiều; trong đó, không ít người phản ánh thái độ thờ ơ với người bệnh của một bộ phận nhân viên y tế. Nhiều y, bác sĩ cho rằng, điều này đã tổn hại đến danh dự của những người thầy thuốc chân chính, những người vẫn đang ngày đêm gắn bó với nghề, tận tâm với nghiệp cứu người. “Đúng là thực tế hiện nay, có một số ít y, bác sĩ trong ngành thiếu gương mẫu, không hết lòng vì người bệnh nên không được xã hội tôn trọng. Nhưng với những ai công tâm, làm việc hết lòng, dành hết tình thương, tâm huyết cho người bệnh thì sẽ nhận được sự quý trọng, tôn vinh của xã hội”, bác sĩ Lư tâm sự.

Bác sĩ Lư còn cho biết, các y, bác sĩ trong khoa luôn xác định phải thương yêu, đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ, san sẻ những nhọc nhằn trong công việc. “Mọi người xem đây là một gia đình lớn, cùng động viên nhau làm tốt trách nhiệm của mình. Suy cho cùng, nhân viên của khoa đoàn kết thì bệnh nhân cũng được lợi vì công việc có sự đồng lòng của mọi người sẽ trôi chảy và hiệu quả hơn”, bác sĩ Lư nói. Nhắc đến chuyện phong bì bồi dưỡng, bác sĩ Lư mỉm cười: “Muốn làm giàu thì không nhất thiết phải theo nghề y. Nếu chúng tôi nhận sự ưu ái về vật chất nhưng không làm hết lòng thì không được xã hội quý trọng. Phần thưởng vô giá nhất đối với chúng tôi chính là chữa lành những bệnh nặng, bệnh “thập tử nhất sinh” và được xã hội quý trọng, tôn vinh”. Với người thầy thuốc tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng, “cứu nhất nhân, đắc vạn phúc” (nghĩa là cứu sống một người, làm được vạn điều phúc) là phương châm theo họ suốt những năm tháng gắn bó với nghề y.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.