.

Không ăn cá bống vân mây

.

Cá bống xưa nay vốn là món ăn ngon và bổ, được sử dụng rất phổ biến ở nước ta. Sở dĩ có sự ngộ độc chết người là do nhiều người dân vẫn nhầm lẫn giữa cá bống vân mây và cá bống hoa.

Cá bống vân mây có tên khoa học là Ctenubobius eriniger, là loài cá sống ở ven biển, các vùng cửa sông nước lợ, tập trung nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung. Đặc điểm nhận dạng loài cá này là đầu to, thân cá ngắn và tròn, toàn thân màu nâu đỏ, mỗi bên thân có bốn vệt đen hình đám mây, màng vây lưng và màng vây đuôi có nhiều hàng chấm đen.

Theo các nhà khoa học, trong cá bống vân mây có độc tố tetrodotoxin, tương tự độc tố của cá nóc. Đây là một trong các chất có độc tính mạnh gấp 275 lần so với xyanua và gấp 50 lần so với mã tiền. Độc tố tetrodotoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Do đó, cho dù cá bống vân mây được nấu chín kỹ thì người ăn cá vẫn bị ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc tetrodotoxin xảy ra rất nhanh, có thể sau khi ăn 5 – 15 phút, thường là tê môi, lưỡi, chân tay, đau bụng, nôn, yếu mệt, liệt các cơ, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đàm nhớt, co giật… tử vong có thể xảy ra trong vòng 30 – 60 phút, do suy hô hấp kết hợp loạn nhịp tim, tụt huyết áp. Hiện trên thế giới chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc tetrodotoxin. Khi một người lớn ăn phải 10g da của cá này có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Để phòng tránh ngộ độc, tốt nhất khi ăn, người dân cần loại trừ những con cá có hình dáng nghi ngờ giống cá bống vân mây. Sự ngộ độc cũng có khi diễn ra ngay khi ăn, khi đó phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Khẩn trương gây nôn để tống hết thức ăn ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng. Sau khi gây nôn nên uống một ít than hoạt, uống oresol bù điện giải. Sau khi sơ cứu, khẩn trương đưa đến bệnh viện gần nhất để xử lý tiếp. Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn để giúp bác sĩ có cơ sở chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.

Khánh Loan (St)
 

;
.
.
.
.
.