.

Một cháu bé tử vong do bệnh tay-chân-miệng

.

(ĐNĐT) - Một cháu bé 22 tháng tuổi ở trường Mầm non tư thục Thiên Nga, ở số 37 đường Phan Văn Trị, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng đã tử vong do bệnh tay-chân-miệng (TCM).

Chiều 17-2, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Phạm Hùng Chiến xác nhận, trường hợp tử vong do bệnh TCM là bé trai Nguyễn Anh Khoa, 22 tháng tuổi, trú tổ 37 phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Đây là ca tử vong đầu tiên trong năm 2012 do bệnh TCM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Một nhóm trong tổng số 37 học sinh đến học tại Trường mầm non tư thục Thiên Nga sáng ngày 17-2.
Một nhóm trong tổng số 37 học sinh đến học tại trường Mầm non tư thục Thiên Nga sáng ngày 17-2.

Nhà  trường “ém” thông tin?

Sáng ngày 17-2, phóng viên ĐNĐT liên tục nhận được  điện thoại của phụ huynh có con học tại trường Mầm non tư thục Thiên Nga phản ảnh, mặc dù học sinh nhà trường mắc bệnh TCM và đã có một trường hợp tử vong vào ngày 14-2, nhưng nhà trường không thông báo cho phụ huynh biết để phòng bệnh, trái lại trường vẫn mở cửa đón học sinh ở các nhóm lớp vào học.

Theo báo cáo của Sở Y tế gửi các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng, ngày 8-2, dù đang bị sốt nhưng bé Khoa vẫn đi học tại trường Mầm non tư thục Thiên Nga. Đến ngày 9-2, bé được đưa vào Bệnh viện Hoàn Mỹ khám với chẩn đoán: sốt siêu vi và cho về theo dõi tiếp, xử lý thuốc hạ sốt khi sốt cao.

Tuy nhiên, trong ngày, cháu vẫn sốt cao và có thêm các dấu hiệu khác như: ăn và bú sữa nhiều hơn bình thường, bụng chướng, không nôn, buổi chiều hơi hoảng hốt, giật mình, chới với và không tự đứng một mình được, có mụn nước ở mông.

Trước tình hình này, 23 giờ 45 phút cùng ngày, gia đình đã đưa cháu Khoa đến Trung tâm Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cấp cứu. Tại đây, cháu Khoa vẫn sốt và bệnh có diễn tiến nặng dần nên được chuyển Khoa Hồi sức nhi. Sau một thời gian điều trị, đến 9 giờ 30 ngày 14-2, bệnh nhân tử vong và chẩn đoán cuối cùng nghi bệnh TCM độ IV với các biến chứng: hôn mê độ III, suy hô hấp độ III, tổn thương đa tạng.

Đến cuối giờ chiều ngày 17-2, ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, xác nhận trường hợp tử vong của cháu Khoa là do dịch TCM.

Sau khi bé Nguyễn Anh Khoa tử vong, tại trường Mầm non tư thục Thiên Nga có thêm 3 trường hợp học sinh cũng nghi mắc bệnh TCM (trong đó 2 bé học cùng lớp Mickey 2 với cháu Khoa và 1 cháu lớp Donan 3), được người nhà đưa vào bệnh viện điều trị.

Mặc dù không được Ban giám hiệu trường Mầm non tư  thục Thiên Nga thông báo chính thức về việc các trường hợp học sinh bị mắc bệnh TCM, nhưng sau khi nghe thông tin, một số phụ huynh có con học ở đây đã không cho con em mình tiếp tục đến trường. Chưa hết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, nhà trường cũng không hề báo cáo kịp thời đến lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ.

Ông Hoàng Cầm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ, cho biết sau khi xảy ra vụ việc cháu Nguyễn Anh Khoa tử vong nghi do bệnh TCM, cháu gái của ông có con học tại Trường mầm non Thiên Nga gọi điện thoại hỏi là có nên cho con đến trường học nữa không? Lúc này ông Cầm bảo rằng, tạm thời cho cháu bé nghỉ học đã.

Tiếp đó, phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ đã yêu cầu Ban giám hiệu trường Mầm non tư thục Thiên Nga báo cáo toàn bộ vụ việc (2 ngày sau khi xảy ra sự việc cháu Khoa trường mới báo cáo); đồng thời phối hợp với các cơ quan y tế xử lý, môi trường, dọn dẹp vệ sinh phòng chống dịch bệnh có thể lây lan.

Thế  nhưng, khi được hỏi, bà Phạm Lê Thanh Thảo, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Thiên Nga, lại nói rằng, sau khi xảy ra sự việc các học sinh mắc bênh TCM và trường hợp cháu Khoa tử vong, nhà trường đã thông báo cho tất cả phụ huynh để có cách phòng ngừa bệnh, đồng thời tạm ngừng đóng cửa trường để xử lý vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do áp lực phụ huynh không có người trông con nên họ vẫn đến trường yêu cầu nhà trường nhận các cháu vào học. Và trong ngày 17-2, có 37 vẫn đi học tại trường.

Cẩn thận với bệnh TCM

Theo ông Hoàng Cầm, sau khi xảy ra các trường hợp học sinh trường Mầm non tu thục Thiên Nga mắc bệnh TCM, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ đã ra thông báo khẩn yêu cầu hiệu trưởng các trường học trên địa bàn quận tăng cường làm vệ sinh phòng ốc, giáo viên kiểm tra học sinh từng buổi một, nếu phát hiện học sinh có dấu hiệu mắc bệnh TCM thì báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, cũng như các cơ quan y tế để có hướng xử lý.

Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, nhận tin báo về trường hợp của cháu Nguyễn Anh Khoa, ngày 10-2, cán bộ Trung tâm đã tiến hành điều tra giám sát ca bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pastuer Nha Trang làm xét nghiệm. Đồng thời, phối hợp cùng Đội Y tế Dự phòng quận Cẩm Lệ, Trạm Y tế phường Hòa Xuân cấp Chloramin B, tờ rơi và hướng dẫn cách lau chùi sàn nhà và các dụng cụ sinh hoạt tại nhà bệnh nhân và trường Mầm non tu thục Thiên Nga; tổ chức phun hóa chất tại tổ 37, phường Hòa Xuân và trường Mầm non tư thục Thiên Nga…

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng đề nghị trường Mầm non tư thục Thiên Nga tạm thời ngừng hoạt động lớp Mickey 2 (lớp cháu Khoa học) trong thời gian 10 ngày để cắt đứt nguồn lây bệnh. Các bộ, nhân viên nhà trường tăng cường vệ sinh các phòng ốc, giám sát chặt chẽ những trẻ có dấu hiệu của bệnh để đưa ra biện pháp cách ly và xử lý kịp thời.

“Bệnh TCM diễn tiến rất nhanh và hiện chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc-xin tiêm phòng. Theo khuyến cáo của các nhà nghiên cứu, năm 2012, bệnh TCM sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và có thể biến động mạnh, nhất là ở khu vực miền Trung. Tại Đà Nẵng, chỉ trong thời gian từ ngày 6-1 đến 12-2, toàn thành phố có 46 ca bệnh TCM", một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo.

Trường hợp tử vong nghi do bệnh TCM nói trên là sự cảnh báo đối với các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc trẻ. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với các cơ sở y tế, trường học trong việc phối hợp để giám sát, phát hiện và sớm chữa trị, cách ly bệnh nhân, không để lây lan trong cộng đồng”

                                                                           Bài và ảnh: Ngọc Đoan-Mỹ Hạnh

;
.
.
.
.
.