Năm nay, Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân với độ bao phủ từ 90 - 95%, theo Nghị quyết HĐND thành phố khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đề ra.
Bảo hiểm y tế rất hữu ích đối với người dân trong quá trình khám, chữa bệnh. TRONG ẢNH: Bác sĩ thăm bệnh tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu. |
Để mục tiêu này thành hiện thực, Sở Y tế thành phố đã xây dựng Đề án cụ thể, trong đó quy định rõ mục tiêu, giải pháp nhằm thu hút các ngành, đơn vị, địa phương cùng tham gia.
Phấn đấu đi trước cả nước 2 năm
Theo quy định của Luật BHYT, năm 2014, cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Nhưng theo bác sĩ Trần Thị Hoa Ban, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, Đà Nẵng phấn đấu đi trước cả nước 2 năm. Như vậy, năm 2012, thành phố quyết tâm hoàn thành BHYT toàn dân với độ bao phủ đạt từ 90 - 95%. Theo đánh giá, mục tiêu này có thể thành hiện thực vì tính đến hết năm 2011, toàn thành phố có hơn 81% đối tượng tham gia BHYT. Trong 6 nhóm đối tượng tham gia BHYT, có 3 nhóm đạt độ bao phủ 100%, các nhóm còn lại đều xấp xỉ hoặc trên 70%.
Nếu như trước đây, nhiều người thường chỉ mua BHYT khi biết mình đã mắc bệnh thì nay nhận thức của người dân thành phố về lợi ích khi tham gia BHYT được nâng lên đáng kể, nhiều người tự nguyện mua BHYT. Ở Trung tâm Y tế quận Hải Châu có hơn 90% bệnh nhân đến khám có BHYT. Điều đáng nói là năm 2011, các đối tượng thuộc hộ nghèo hoặc đã thoát nghèo trong thời gian 2 năm và 100% trẻ em dưới 6 tuổi trên toàn thành phố đều được cấp BHYT. Đây cũng là một trong những chính sách an sinh xã hội nhằm giúp người nghèo bớt đi gánh nặng khám, chữa bệnh, tạo điều kiện để toàn dân được chăm sóc sức khỏe với những điều kiện tốt nhất có thể.
Huy động nhiều nguồn lực
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT là giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân năm 2012. Muốn thực hiện tốt, cần thiết phải có sự tham gia của nhiều ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố. Ngay trong Đề án về BHYT toàn dân trình UBND thành phố, Sở Y tế đã nhấn mạnh, việc tuyên truyền có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng ở quận, huyện, xã, phường, đài truyền thanh, tờ rơi, tờ gấp hoặc xây dựng cụm pa-nô, áp phích ở nơi tập trung đông dân cư, nơi nhiều người qua lại... Nội dung tuyên truyền chủ yếu làm sao để mọi người đều hiểu về chính sách BHYT, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia BHYT. Quan trọng hơn cả là tập trung nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích khi tham gia BHYT tự nguyện và từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực thúc đẩy toàn dân tích cực tham gia.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng đề nghị UBND thành phố thành lập Ban chỉ đạo thực hiện BHYT cấp thành phố, quận, huyện, xã, phường. Theo đó, Ban chỉ đạo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, tham mưu, đề xuất tổ chức thực hiện các mục tiêu, giải pháp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, để người dân tích cực tham gia BHYT, yêu cầu đặt ra đối với hệ thống cung cấp dịch vụ y tế của thành phố cũng ngày càng cao hơn. Người dân sẵn sàng mua BHYT nếu họ được cung cấp dịch vụ y tế chất lượng, bảo đảm nhu cầu khám, chữa, điều trị bệnh. Vì vậy, một trong những giải pháp cấp thiết mà thành phố đưa ra để hoàn thành BHYT toàn dân là tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nguồn từ quỹ kết dư BHYT phục vụ cho hoạt động của y tế. Đồng thời, chú trọng tăng cường nhân lực, nâng cao y đức, chất lượng khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Ngoài ra, thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến chính sách BHYT nhằm phục vụ nhanh chóng, kịp thời việc cung cấp thẻ BHYT, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh...
Dự kiến, năm 2012, hơn 165 tỷ đồng được chi từ ngân sách để hỗ trợ mua thẻ BHYT nhằm đạt độ bao phủ 90% (606.614 đầu thẻ). Và với những giải pháp đưa ra, nếu trên 90% đối tượng tham gia BHYT toàn dân thì cũng có nghĩa nhiệm vụ mà HĐND thành phố yêu cầu trong năm 2012 hoàn thành.
Bài và ảnh: HÀ AN