.

Ngành Y tế giảm quá tải

.

Quá tải trong khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế của thành phố Đà Nẵng là câu chuyện dài kỳ, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ. Năm 2012, ngành Y tế thành phố sẽ triển khai một số biện pháp nhằm từng bước giảm áp lực trong KCB cho cả người dân lẫn các cơ sở y tế.

Bệnh nhân được thu dung điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân được thu dung điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Giảm tải tại các phòng khám

Tại một số cơ sở y tế quận, huyện và thành phố, số bệnh nhân đến khám bệnh trong ngày, nhất là vào các buổi sáng thường rất đông. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế quận Hải Châu tiếp nhận khoảng 500-700 lượt người đến khám. Tại Trung tâm Phụ sản - Nhi, trong 8 tháng đầu hoạt động, mỗi ngày tiếp nhận 327 ca. Đối với Bệnh viện Đà Nẵng, có đến 1.200-1.500 lượt người khám bệnh mỗi ngày. Tình hình này cho thấy quá tải trong khám bệnh hiện đang tồn tại ở nhiều cơ sở y tế.

Theo bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, quá tải trong khâu khám bệnh đa số tập trung ở các cơ sở y tế tuyến quận, huyện. Khi nắm rõ nguyên nhân gây quá tải, ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo các Trung tâm y tế quận, huyện thực hiện tốt công tác thu dung điều trị bệnh nhân theo phân tuyến, tăng cường xã hội hóa nhằm hiện đại hóa trang thiết bị, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng điều trị cho người bệnh. Riêng đối với Trung tâm Y tế quận Hải Châu, kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng đang được tiến hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận bệnh nhân đến khám mỗi ngày, nhất là vào các giờ cao điểm. Bệnh viện Hòa Vang cũng đã được khởi công xây dựng và khi hoàn thành sẽ thu hút người bệnh, góp phần giải quyết tình trạng quá tải hiện nay.

Gần đây, một số Trạm Y tế đã thực hiện khá tốt việc sơ cấp cứu và giải quyết những bệnh thông thường cho người dân địa phương. Điều này phần nào giảm áp lực cho các cơ sở y tế tuyến trên trong KCB. Ngoài ra, các cơ sở y tế quận, huyện thường đông người đến khám vào những ngày đầu tuần và các buổi sáng. Vì vậy, Sở đã đề nghị tăng số lượng bàn khám, bàn thanh toán và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân.

Giảm tải toàn diện

Tình trạng quá tải trong khâu khám bệnh tồn tại ở hầu hết các cơ sở y tế của thành phố hiện nay. TRONG ẢNH: Bệnh nhân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Tình trạng quá tải trong khâu khám bệnh tồn tại ở hầu hết các cơ sở y tế của thành phố hiện nay. TRONG ẢNH: Bệnh nhân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo bác sĩ Phạm Hùng Chiến, dạng quá tải thứ hai là quá tải toàn diện cả từ khâu KCB đến điều trị nội trú, chủ yếu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Vì vậy, năm 2012, Sở Y tế thành phố sẽ tập trung chống quá tải trong điều trị nội trú tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho rằng, quá tải là chuyện thường thấy không chỉ ở Đà Nẵng mà còn nhiều địa phương khác. Hiện tại, bệnh viện vẫn đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước giải quyết tình trạng này.

Năm 2011, UBND thành phố đã cho tăng 460 giường bệnh đối với Bệnh viện Đà Nẵng (bao gồm cả Trung tâm Phụ sản - Nhi), đồng thời đầu tư trên 44 tỷ đồng xây dựng khu Hồi sức cấp cứu với khối nhà 5 tầng và sẽ triển khai xây dựng trong năm 2012. Ngoài ra, dự kiến tháng 9 năm nay hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Ung thư thành phố. Cùng với việc thành lập Bệnh viện Phụ sản - Nhi, số giường bệnh dành cho bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Đà Nẵng sẽ giãn bớt.

Những năm gần đây, việc KCB và điều trị ở các cơ sở y tế của Đà Nẵng, nhất là tuyến thành phố, đã tiến bộ vượt bậc với nhiều thành tựu khoa học - kỹ thuật y tế được áp dụng. Theo bác sĩ Phạm Hùng Chiến, đây là nguyên nhân thu hút ngày càng đông bệnh nhân các tỉnh, thành phố lân cận đến KCB (chiếm tỷ lệ từ 30-35% tổng số bệnh nhân). Ngoài ra, việc ứng dụng mạnh mẽ các kỹ thuật mới về lâm sàng tại Bệnh viện Đà Nẵng đã nâng cao chất lượng KCB nên nhiều người không đi thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội nữa mà an tâm ở lại điều trị. Đối với ngành Y tế thành phố, đây là tín hiệu đáng mừng nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc giảm tải cho các bệnh viện, trung tâm y tế.

Ngoài việc triển khai các giải pháp chống quá tải tại các cơ sở y tế công lập, hiện tại, sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân cũng góp phần tăng số giường bệnh, giải quyết tốt các khâu KCB và điều trị. Bác sĩ Phạm Hùng Chiến khẳng định: Với việc triển khai đồng loạt các giải pháp về nâng cao kỹ thuật KCB, đầu tư về con người, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin..., năm 2012, bài toán quá tải sẽ cơ bản được giải quyết.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH
 

;
.
.
.
.
.