Có những trẻ thường xuyên bị táo bón, mỗi lần đại tiện trông rất khổ sở, trẻ thì khóc và người nhà thì lo lắng. Nếu biết được nguyên nhân, một số trường hợp có thể khắc phục được mà không cần đến sự can thiệp y tế.
Nói chung, trẻ nhỏ đại tiện khoảng 1-3 lần trong ngày. Nhưng nếu đại tiện dưới 2 lần trong tuần thì được xem như bị táo bón. Ở trẻ bị táo bón đi cầu thường rất lâu, rặn nhiều, phân cứng, có dạng viên trông giống như phân dê. Một số trường hợp có máu theo sau phân, do phân cứng làm tổn thương niêm mạc khu vực trực tràng, hậu môn. Sau đây là các nguyên nhân gây táo bón ở trẻ:
- Do chế độ ăn uống không phù hợp như trẻ uống ít nước, ăn ít rau xanh và hoa quả, sữa pha đặc hoặc pha với nước cháo.
- Do vận động ít khiến cho nhu động ruột kém làm cho phân ứ đọng, chậm di chuyển, nên nước trong phân bị vắt kiệt gây bón.
- Do dùng một số loại thuốc chữa bệnh có thể gây ra táo bón.
- Do trạng thái tâm lý của trẻ như sợ hãi một điều gì đó dù cũng muốn đi cầu hoặc do rối loạn cảm xúc.
- Do bệnh lý đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa khi thay đổi chế độ ăn, bị khối u chèn ép.
Để tránh cho trẻ bị táo bón cần cho trẻ ăn chế độ ăn thích hợp, giàu chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh và trái cây, sau khi ăn cho uống nhiều nước. Lưu ý các loại rau củ quả có tính nhuận tràng như rau dền, rau mồng tơi, khoai lang, chuối, đu đủ, cam, quýt… Trường hợp trẻ chưa ăn dặm người mẹ cần gia tăng khẩu phần ăn như trên và cũng uống nhiều nước để “chuyển” sang cho trẻ qua sữa mẹ. Thường xuyên xoa bóp bụng cho trẻ để kích thích hoạt động của nhu động ruột. Giúp trẻ tăng cường sự vận động để cho nhu động ruột hoạt động tốt hơn.
Các trường hợp muốn dùng thuốc chống táo bón cần tham vấn ý kiến bác sĩ để xem trẻ có thật sự cần dùng thuốc hay không, liều lượng, cách dùng thế nào, thời gian dùng kéo dài bao lâu. Phải đưa trẻ bị táo bón đi bệnh viện khám nếu có các biểu hiện sau đây: Táo bón đi kèm với chướng bụng, nôn, trớ, chán ăn, gầy sút, táo bón kéo dài hơn một tuần.
Thạc sĩ y học MAI HỮU PHƯỚC