“Những bệnh nhân ở đây nói đùa với chúng tôi rằng, điều trị tại khoa Thận nhân tạo không những được miễn phí mà còn có “lương” nữa!”, bác sĩ Nguyễn Hữu Đa, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng nói về hiệu quả công tác từ thiện mà khoa mang lại cho những bệnh nhân suy thận mãn tính đang được chữa trị tại đây.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Đa thăm hỏi bệnh nhân đang lọc máu tại Khoa Thận nhân tạo. |
“Lương” mà người bệnh nhận được đó chính là số tiền từ những tấm lòng hảo tâm và các tổ chức, cá nhân đóng góp từ thiện để giúp đỡ những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh “nhà giàu” này. Bệnh nhân Nguyễn Tài (trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) có “thâm niên” gắn bó với Khoa Thận nhân tạo từ 5 năm nay. Để chữa trị căn bệnh suy thận mãn tính này, gia đình anh Tài đã tốn khá nhiều tiền. Từ khi thành phố quyết định chi ngân sách cho khoản tiền từ 5 - 20% phần đồng chi trả BHYT mà người bệnh phải đóng, anh như rũ bỏ được gánh nặng đeo bám thời gian qua. “Lúc trước, phải tốn mỗi tháng vài triệu đồng để chạy thận. Giờ đây, nhờ BHYT và thành phố hỗ trợ nên được miễn phí, tôi thật sự vui lắm. Mình đỡ lo chuyện tiền nong, chứ bệnh này gắn liền với thuốc thang, bệnh viện cả đời, nếu không được miễn phí thì chịu sao nổi. 5 năm nằm điều trị ở đây, không nhờ các bác sĩ trong khoa tận tình chăm sóc, có khi mình cũng chết rồi”, anh Tài cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Đa, trường hợp những bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại khoa như anh Tài không chỉ được miễn phí mà còn nhận tiền trợ giúp từ nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện. Có những nhà hảo tâm trực tiếp đến khoa, trao tiền cho người bệnh; hoặc thông qua khoa, góp tiền để chia sẻ phần nào vất vả của những người mắc phải căn bệnh này.
Những bệnh nhân suy thận mãn tính đều phải lọc máu ít nhất một tuần 3 lần, năm này sang năm khác. Mỗi lần như vậy nếu không được miễn phí thì tiền của trong nhà cứ thế đội nón “ra đi”, người giàu cũng thành người nghèo. Cảm nhận sự nhọc nhằn của những người không may mắn này, các y, bác sĩ Khoa Thận nhân tạo sẵn sàng trở thành những cầu nối kêu gọi sự trợ giúp từ nhiều phía dành cho bệnh nhân suy thận mãn. Hiện tại, Khoa Thận nhân tạo điều trị miễn phí cho 195 bệnh nhân suy thận mãn tính với 44 máy chạy thận. Trung bình mỗi tháng, ngân sách thành phố chi trả để hỗ trợ cho bệnh nhân lên đến hơn 60 triệu đồng. Bác sĩ Đa tâm sự: “Phần lớn bệnh nhân suy thận mãn tính phải điều trị cả đời, dù giàu có chăng nữa thì cũng khánh kiệt. Vì vậy, chúng tôi luôn coi bệnh nhân như người thân để họ xem việc tới khoa như về nhà. Chúng tôi điều trị, giúp đỡ chứ không phải để ban ơn. Vì vậy, ngoài công việc chuyên môn, nhân viên của khoa kiêm luôn công tác từ thiện. Chúng tôi tiếp nhận sự đóng góp, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và chuyển trực tiếp đến tay người bệnh, chia sẻ bớt khó khăn và người bệnh cảm thấy ấm lòng hơn”.
Ban Từ thiện của khoa thành lập được gần 5 năm nay, số tiền quyên góp hỗ trợ bệnh nhân lên đến hàng trăm triệu đồng. Chỉ riêng trong 2 năm 2010-2011, hơn 200 triệu đồng từ thiện đã đến tay người bệnh. Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Bệnh viện nhận trách nhiệm khám chữa bệnh cho người dân thành phố, đồng thời cũng góp phần chung tay cùng thành phố thực hiện chính sách an sinh xã hội, trợ giúp bệnh nhân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Bác sĩ Đa từng nói với nhân viên của mình rằng, làm việc tại Khoa Thận nhân tạo không chỉ khám chữa bệnh mà còn hướng đến hoạt động từ thiện, giúp đỡ bệnh nhân. Với phương châm đó, các y, bác sĩ vẫn hằng ngày chuyên tâm với công tác từ thiện, giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn đang chữa trị tại đây, thậm chí nhớ rõ gia cảnh từng người. Những người khoác blouse trắng tại khoa này chia sẻ rằng, cả thầy thuốc và bệnh nhân đều xem nhau như người thân trong gia đình, cùng động viên vượt qua thử thách bệnh tật, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Bài và ảnh: HÀ AN