.

Tưởng nhớ một nhà phẫu thuật đỉnh cao thế giới

.

Tưởng nhớ các danh nhân văn hóa để nâng tầm văn hóa của mình lên nhằm tự hoàn thiện mình, là một cách hành xử của con người trong thế giới văn minh. Nó vun đắp cội rễ tinh thần thôi thúc những ai đang sống hướng tới chân, thiện, mỹ. Những lần đến thăm Saint- Petersburg hay Paris, tôi thấy trên bệ tượng đài Pushkin hay Descartes luôn có những nhành hoa tươi mà ai đó đã lặng lẽ đặt lên. Đặt hoa lên bệ tượng đài danh nhân không phải để chụp ảnh, quay phim, mà chỉ để thổ lộ tấm lòng ngưỡng mộ chân thành và kín đáo của riêng mình mà thôi...

Giáo sư Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế (trái) và Giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Trường Đại y kháng chiến ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, năm 1948.
Giáo sư Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế (trái) và Giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Trường Đại y kháng chiến ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, năm 1948.

Trước kia, ở nước ta, những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, sau khi qua đời, thường được nhân dân ta suy tôn làm thành hoàng làng xã, xây đền thờ để quanh năm hương khói.

Vài thế kỷ gần đây, tên tuổi các danh nhân còn được đem đặt cho các đường phố, trường học, giảng đường, thư viện, nhà hát...

Đã ba thập niên sau ngày GS Tôn Thất Tùng qua đời, tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và thị xã Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đều có phố Tôn Thất Tùng.

Cách đây 100 năm, danh nhân y học Tôn Thất Tùng ra đời trong một gia đình hoàng tộc triều Nguyễn, vào ngày 12-5-1912, tại Thanh Hóa, vì người cha lúc ấy đang làm Tổng đốc tỉnh này. Nhưng cậu bé Tùng mới được ba tháng, thì cha mất. Mẹ đưa cậu về Huế, mua một mảnh vườn rộng bên tả ngạn sông Hương, cách cầu Bạch Hổ vài trăm mét, nhìn thẳng sang cồn Dã Viên.

Năm 1931, anh thanh niên Tôn Thất Tùng ra Hà Nội, ở trong nhà bác sĩ Hồ Đắc Di tại phố Hàng Bông để theo học Trường Bưởi, rồi Đại học Y. Từ đấy, cuộc đời anh gắn liền với Hà Nội trong hòa bình cũng như trong chiến tranh.

Đang ở tuổi 70 sung sức sáng tạo trong cuộc đời của một nhà bác học, GS Tôn Thất Tùng đột ngột qua đời sáng 7-5-1982 sau một cơn nhồi máu cơ tim.

Một sự ngẫu nhiên kỳ lạ: Người chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa đã từng đứng trong hầm mổ Mường Phăng cứu sống bao thương binh nặng, nay đột ngột ra đi đúng vào ngày 7-5, Ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Tối hôm trước, trong một bữa cơm gia đình thân mật tại nhà riêng ở phố Lê Thánh Tông, ông còn chuyện trò sôi nổi với những người thân như Hồ Đắc Di, Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Nghĩa...

“Việc GS Tôn Thất Tùng qua đời làm cho tôi cũng như nhiều bạn bè của giáo sư choáng váng (...). Không ai có thể thay thế GS Tôn Thất Tùng. Không một nhà phẫu thuật nào có tầm cỡ như giáo sư trong thế hệ hiện nay. Nhưng giáo sư vẫn sống với trường phái do ông sáng lập...”. Ngay sau khi nhận được tin GS Tôn Thất Tùng mãi mãi ra đi, trong bức thư gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, bác sĩ Jean-Michel Krivine, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Trung tâm Bệnh viện Émile Roux, Paris, đã viết như thế.

“GS Tôn Thất Tùng vẫn sống với trường phái do ông sáng lập”, lời tiên đoán ấy rất có căn cứ, bởi lẽ ông là “người cha” của một phương pháp cắt gan mang tên ông: Phương pháp Tôn Thất Tùng. Phương pháp này cho phép cắt gan chỉ mất 4-8 phút trong khi, nếu theo phương pháp vẫn được coi là kinh điển mang tên vị giáo sư người Pháp Lortat-Jacob, thì phải mất 3-6 giờ! Sáng tạo của Tôn Thất Tùng không phải là do sự “khéo tay”, thay đổi kỹ xảo vụn vặt - như có người lầm tưởng - mà chính là bắt nguồn từ những nghiên cứu cơ bản do anh sinh viên nội trú này thực hiện trong những năm 1935-1939.

Lần đầu tiên trong y văn thế giới, Tôn Thất Tùng, ở độ tuổi mới ngoài hai mươi, đã mô tả các mạch máu và ống mật trong gan sau khi phẫu tích hơn ... 200 lá gan người chết! Chính vì vậy, bản luận văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa của ông mới được tặng Huy chương Bạc của Liên hiệp Pháp (1939) và Huy chương Bạc của Đại học Y Paris (1940, lúc bấy giờ Đại học Y Hà Nội là một phân hiệu của Đại học Y Paris). Cũng từ năm 1940, Tôn Thất Tùng trở thành Trưởng Khoa Ngoại Đại học Y Hà Nội khi mới 28 tuổi.

Khác xa với lối học thụ động, chỉ tiếp thu kiến thức khoa học sẵn có trong sách vở, Tôn Thất Tùng luôn khám phá cái mới. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã công bố 63 công trình trên các tạp chí và kỷ yếu hội nghị y học in bằng tiếng Pháp. Đó quả là con số kỷ lục!

Nhờ nhận biết chi li, tường tận các tĩnh mạch trong gan, Tôn Thất Tùng và Mayer-May (một giáo sư người Pháp gốc Do Thái lúc đó

làm việc tại Hà Nội) lần đầu tiên trên thế giới đã cắt gan một cách “có quy phạm”, nghĩa là tìm và kẹp chặt các mạch máu trong gan trước khi cắt thùy gan bị ung thư. Trước Tôn Thất Tùng, các nhà phẫu thuật Đức, Anh, Nga... cũng đã cắt gan tổng cộng 87 trường hợp, nhưng tất cả đều là cắt gan không theo một quy phạm nào cả!

Sở dĩ người ta phải làm liều như thế là do trước Tôn Thất Tùng, chưa có ai mô tả được chính xác các mạch máu trong gan, cho nên các nhà phẫu thuật đành phải nhắm mắt cắt gan một cách vu vơ, gặp mạch máu nào thì buộc nó lại, nếu chẳng may bỏ sót - điều này rất dễ xảy ra - thì sau khi “đóng bụng”, người bệnh sẽ chết do chảy máu hoặc do hoại tử gan.

Ít lâu sau, bản báo cáo về trường hợp cắt gan có quy phạm đầu tiên, do Tôn Thất Tùng và Mayer-May thực hiện, được trình bày tại Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, nhưng, tiếc thay, bị GS Funck-Brentano công kích, do “ý tưởng này vào lúc đó còn quá mới”, như lời nhận xét về sau của bác sĩ Jean-Michel Krivine.

Thất vọng trước sự “đón tiếp” của “vị thánh” ngành phẫu thuật thời ấy, Tôn Thất Tùng đâm ra e ngại. Hơn nữa, sau đó, vào những năm chống Pháp gian nan, thiếu phương tiện, ông không đụng dao mổ đến buồng gan trong hơn 20 năm.

Trở về Hà Nội giải phóng, GS Tùng mới nhận được thông tin: Vào năm 1952, GS Lortat-Jacob ở Pháp đã thành công trong việc cắt gan “có quy phạm” bằng cách: Trước khi cắt gan, tìm và buộc tất cả các mạch máu ở ngoài gan. Nhà phẫu thuật Việt Nam bỗng cảm thấy mình lại hăm hở như xưa, lại muốn lao vào làm tiếp cái công việc bỏ dở từ năm 27 tuổi.

Ngày 7-1-1961, tại Bệnh viện Việt - Đức, ông cắt thùy gan phải của một người bị bệnh ung thư tên là Hải. Ca mổ kéo dài từ 9 giờ 30 phút đến 9 giờ 36 phút, nghĩa là chỉ trong có... 6 phút! Phương pháp Tôn Thất Tùng khác với phương pháp Lortat-Jacob ở chỗ: Tôn Thất Tùng tìm ở ngay trong gan (qua tổ chức gan bị bóp vỡ) các mạch máu và ống mật, còn vị GS Pháp thì tìm ở ngoài gan (tại đoạn mà người ta gọi là cuống gan).

Sau đó, trong một năm, Tôn Thất Tùng cắt gan 50 trường hợp, vượt kỷ lục của Lortat-Jacob... 10 lần. Nhà phẫu thuật Việt Nam trở thành người có nhiều kinh nghiệm cắt gan nhất thế giới.

Ngay trong những ngày Việt Nam chống Mỹ, báo The Lancet (Dao bầu) ở London, tờ báo hằng tuần phát hành mỗi kỳ hơn 1 triệu bản, đã đăng bài báo khoa học của Tôn Thất Tùng nhan đề: Một phương pháp cắt gan mới. Bài báo lập tức gây tiếng vang rộng khắp. Chỉ một tháng sau, hơn 100 nhà phẫu thuật từ Mỹ đến Úc gửi thư đến Hà Nội xin GS Tùng cung cấp thêm tài liệu. Một số nhà bác học viết bài dè dặt hoan nghênh. Một số khác kịch liệt phản đối.

Nếu năm 1939, Tôn Thất Tùng có phần nản lòng trước lời nhận xét bất công của Funck-Brentano, thì năm 1963, ông tự tin hơn, “một mình một ngựa” lao vào cuộc luận chiến tưởng chừng không cân sức với những tên tuổi lớn trong giới phẫu thuật quốc tế. Để làm được điều đó, ngoài việc tinh tường chuyên môn, còn phải hết sức thông thạo ngoại ngữ.

Cuối cùng, nhà phẫu thuật Việt Nam đã thắng!

Những người công kích ông dữ dội nhất, một khi đã thấu hiểu phương pháp mới lạ và độc đáo của ông, liền “phục thiện” trước chân lý, quay lại ca ngợi ông hết lời, coi ông là “người cha”, là vị “tổ sư” của phương pháp cắt gan có quy phạm. Đúng như GS Hồ Đắc Di, “người thầy đầu tiên” của GS Tôn Thất Tùng, đã nói: “Khoa học là sự nổi dậy của tư duy!” Mệnh đề này có nghĩa: Một khám phá khoa học mới mẻ thường lật nhào những định kiến sai lầm thâm căn cố đế đã từng ngự trị hàng thể kỷ!

Cuốn Phẫu thuật cắt gan của Tôn Thất Tùng được Nhà xuất bản Masson in ở Pháp, sau đó, được Nhà xuất bản Meditsina dịch, in ở Nga. Phương pháp Tôn Thất Tùng được đưa vào Bách khoa thư Nội thương - Phẫu thuật của Pháp, và được in trong Chon lọc các Tài liệu Sản khoa và  Phẫu thuật của Mỹ.
Năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng GS Tôn Thất Tùng Huy chương Lannelongue. Đây là loại huy chương được đặt ra từ năm 1911 và cứ 5 năm mới tặng một lần cho một người mà thôi.

Người ấy, tất nhiên, phải là nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới trong thời gian ấy. Trước đó, GS Tùng đã được Viện Hàn lâm này bầu làm Viện sĩ.

Trong 70 năm ngắn ngủi của một đời người (1912-1982), GS Tôn Thất Tùng đã có một phát minh được coi là kinh điển, và để lại trong y văn thế giới 123 công trình.

Sau khi GS Tùng qua đời, nhiều nhà phẫu thuật trên thế giới vẫn tiếp tục sang Hà Nội học tập phương pháp Tôn Thất Tùng về cắt gan.

Năm 1985, cuốn Phẫu thuật cắt gan của Tôn Thất Tùng được Nhà xuất bản Minerva in ở Rome bằng tiếng Ý. Những cộng sự gần gũi của GS Tôn Thất Tùng như Nguyễn Dương Quang, Nguyễn Văn Vân, Tôn Thất Bách... nhiều lần được mời đến thuyết minh, biểu diễn cắt gan tại các Hội nghị Quốc tế về Gan - Mật. Phương pháp Tôn Thất Tùng được áp dụng ở nhiều nước.

Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy chương Phẫu thuật Quốc tế Lannelongue, Viện sĩ nhiều Viện Hàn lâm Y học cũng như Phẫu thuật, GS Tôn Thất Tùng đã có những cống hiến lớn lao cho khoa học, cho Tổ quốc, rất đáng để các thế hệ hôm nay biết ơn và tưởng nhớ...

HÀM CHÂU

;
.
.
.
.
.