Thông tin về đề nghị tăng viện phí của Bộ Y tế đã tạo nên nhiều dư luận trái chiều. Việc tăng viện phí có đồng nghĩa với tăng chất lượng khám chữa bệnh (KCB) hay không là mối quan tâm chủ yếu của người dân hiện nay.
Tăng viện phí cần đi đôi với việc tăng chất lượng khám chữa bệnh. TRONG ẢNH: Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Theo nội dung trả lời trực tuyến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ sẽ tiếp tục trình các phương án tăng viện phí với những điều chỉnh mới. Trong đó, về mức tăng, chẳng hạn như công khám bệnh trước đây 3.000 đồng/lượt, sau khi tăng thì hạng đặc biệt (tuyến Trung ương) là 20.000 đồng, hạng 2 (tuyến huyện): 15.000 đồng, hạng 3: 10.000 đồng, hạng 4 (trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực chưa phân hạng): 5.000 đồng. Về giá giường bệnh, sau khi điều chỉnh, các giường nội khoa (trước đây từ 1.500-10.000 đồng/ngày) dự kiến sẽ tăng lên 20.000-80.000 đồng, tùy điều kiện trang bị.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, nếu trước đây, Thông tư của Bộ đề cập đến 330 dịch vụ thì nay bỏ đi 130 dịch vụ vì đã không còn phù hợp hoặc trùng lặp, 222 dịch vụ còn lại được rà soát và điều chỉnh thành 277 dịch vụ. Khoảng 70% dịch vụ kỹ thuật sẽ tăng giá dưới 5 lần.
Anh Nguyễn Hữu Năm (quận Sơn Trà) đưa mẹ đến khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ: “Dù mẹ tôi có BHYT, nhưng tính chi phí ở lại bệnh viện lâu ngày cộng với nhiều xét nghiệm nữa thì khi nằm viện tốn không ít tiền”. Phần lớn người dân khi nghe đến việc tăng viện phí đều chung tâm trạng lo lắng bởi dự kiến có những dịch vụ kỹ thuật tăng giá đến gần 5 lần, giá giường bệnh cũng tăng. Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mức tăng này phù hợp vì mức lương cơ bản đã tăng 6,9 lần, mệnh giá BHYT cũng tăng từ 3% lên đến 4%.
Song song với đề xuất tăng viện phí, Bộ Y tế cũng sẽ có những điều chỉnh mới theo hướng giảm đối với một số trường hợp cụ thể. Chị Mai Thị Hiền, đang điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết mặc dù được giảm viện phí theo chế độ BHYT dành cho hộ nghèo, nhưng chỉ trong một tuần nằm viện, chị đã phải tiêu tốn hơn 4 triệu đồng. Ngoài ra, những lúc đông bệnh nhân, chị phải nằm ghép chung giường với bệnh nhân khác. Trường hợp như chị Hiền, theo như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, với quy định mới, giá sẽ giảm xuống còn 50% với giường nằm đôi, còn 30% với giường nằm ba. Ngoài ra, dự kiến, đối với phần chi trả 5% của những bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, Nhà nước sẽ chi trả luôn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, chạy thận nhân tạo, mổ tim... 5% này được trích từ quỹ khám bệnh cho người nghèo.
Trong một số trường hợp, những người có khả năng về kinh tế không ngại chi thêm tiền cho việc KCB, nhưng với người dân, tăng viện phí nhất thiết phải đồng nghĩa với việc tăng chất lượng KCB. Các bệnh viện cũng không tránh khỏi áp lực về việc phải nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng KCB cho bệnh nhân để tương xứng với số tiền mà người bệnh chi trả. Do đó, người dân sẽ phần nào thỏa mãn với số tiền phải bỏ ra thêm để KCB nếu một phần số tiền tăng viện phí được đầu tư trở lại nâng cấp trang thiết bị hiện đại cho việc KCB...
Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết: “Tất cả các nguồn thu của các bệnh viện đều tập trung nộp vào ngân sách Nhà nước và nguồn ngân sách này được sử dụng để hỗ trợ, bao cấp cho người dân trong quá trình KCB. Tuy nhiên, nguồn ngân sách cũng có hạn và người dân cũng cần san sẻ một phần với Nhà nước để có thể đầu tư tốt hơn cho các cơ sở y tế, nhất là việc trang bị thêm các phương tiện hiện đại phục vụ công tác KCB. Điều quan trọng là làm sao quản lý nguồn tài chính cho thật tốt để đầu tư hiệu quả vào công tác KCB hiện nay”. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Với mức tăng mà Bộ đệ trình, giá dịch vụ sẽ tương xứng hơn với chi phí và dịch vụ cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng KCB là câu chuyện lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành Y tế nói chung và các cơ sở KCB nói riêng.
Bài và ảnh: M.HẠNH