.

Điều trị Methadone để phòng, chống ma túy

.

Điều trị Methadone mang lại lợi ích thiết thực cho người nghiện heroin và gia đình, đồng thời giúp cộng đồng tránh được những hậu quả.

Một bệnh nhân uống Methadone tại chỗ, trước mặt bác sĩ.
Một bệnh nhân uống Methadone tại chỗ, trước mặt bác sĩ.

Chương trình điều trị Methadone do Dự án Life-gap tài trợ, điều trị miễn phí cho người nghiện heroin, tiến hành tại Đà Nẵng từ tháng 7-2010. Trên địa bàn thành phố hiện có 2 cơ sở điều trị Methadone, cơ sở 1 tại 91 Nguyễn Đức Trung (quận Thanh Khê), điều trị cho bệnh nhân có hộ khẩu tại các quận, huyện: Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang; cơ sở 2 tại 163 Hải Phòng (quận Hải Châu), điều trị bệnh nhân các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Hai cơ sở đang điều trị tổng số hơn 200 bệnh nhân và luôn sẵn sàng đón nhận bệnh nhân mới.

Mỗi xã - phường, quận - huyện có một ban xét chọn bệnh nhân tham gia chương trình điều trị Methadone và trạm y tế xã - phường là nơi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên. Người tham gia chương trình này phải đủ 18 tuổi; đã qua nhiều biện pháp cai nghiện heroin nhưng không thành công; không có hành vi phạm pháp trong thời gian xét chọn; có đơn tự nguyện và cam kết tuân thủ các nguyên tắc điều trị.

Methadone là thuốc dạng nước, một liều dùng sẽ khống chế sự gây nghiện heroin trong 24 giờ. Vì vậy, hằng ngày bệnh nhân phải chọn thời điểm phù hợp với công việc của mình để đến uống thuốc. Tuy nhiên, bác sĩ có thể điều chỉnh lượng thuốc để giúp bệnh nhân thay đổi giờ uống thuốc.

Theo nguyên tắc điều trị Methadone, bệnh nhân phải uống thuốc tại chỗ, ngay trước mặt bác sĩ và khi uống xong phải nói “cảm ơn bác sĩ”. Quy định này vừa nhằm giáo dục ý thức văn hóa cho bệnh nhân, vừa nhằm bảo đảm việc bệnh nhân đã uống thuốc, vì nếu còn ngậm thuốc thì không thể nói được.

Bệnh nhân được điều trị qua các giai đoạn: Dò liều, ổn định liều, điều trị duy trì và giảm liều để ra khỏi chương trình, đồng thời phải tuân thủ nguyên tắc điều trị cùng với sự kiên trì. Bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố (cơ quan thực hiện chương trình điều trị Methadone) cho biết: Khi sử dụng heroin, bệnh nhân đã bị tổn thương não mãn tính, dẫn đến mất hành vi nhân cách. Điều trị Methadone là làm cho bệnh nhân không còn cảm giác thèm heroin, từ đó dần dần phục hồi hành vi nhân cách. Điều cần thiết là bệnh nhân phải có ý chí làm chủ bản thân, xa lánh những môi trường có nguy cơ tái nghiện và gia đình người bệnh phải có trách nhiệm quản lý, giáo dục, không để bệnh nhân bị rủ rê, lôi kéo nghiện trở lại.

Ông N.T.H, bố của anh N.T.V ở quận Thanh Khê chia sẻ: V. đã 3 lần vào Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06. Nhà nước chịu toàn bộ chi phí trong năm đầu. Từ tháng thứ 13, gia đình phải đóng tiền ăn cho V. 600.000 đồng/tháng, Ngoài ra, chuyện đi thăm nuôi cũng tốn nhiều thời gian, tiền bạc. V. ra trại trước Tết Nhâm Thìn, được gia đình động viên điều trị Methadone và có những chuyển biến tốt. Hằng ngày, V. đều đến uống thuốc vào giờ nhất định và phụ giúp được công việc gia đình. “Đây là cơ hội cho con mình khỏi tái nghiện, nên tôi hết sức quan tâm quản lý, chứ nếu để cháu sa ngã một lần nữa thì ân hận lắm!”, ông H. tâm sự.

Còn T.V.K ở phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) sau khi rời Trung tâm Giáo dục-dạy nghề 05-06, tự nguyện điều trị Methadone, từ đó sức khỏe ngày càng khá hơn. V.K theo học kỹ thuật nhiếp ảnh và vi tính, rồi mở tiệm chụp ảnh. K. bộc bạch: “Chỉ trừ khi mình cố tình quay lại con đường nghiện ngập, chứ đã dùng Methadone đều đặn hằng ngày thì không còn lên cơn nghiện và cũng không còn cảm thấy thèm thuốc”.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.