(ĐNĐT) – Ngoài phòng đào tạo với 48 ghế ngồi ngay phía sau khoang lái còn giữ nguyên bản của máy bay thì tất cả các phòng còn lại đều được thiết kế tinh xảo, hợp lý với đầy đủ các phòng chức năng như một bệnh viện mắt thu nhỏ. Đó chính là bệnh viện hàng không duy nhất trên thế giới, được chuyển thể từ một chiếc máy bay DC-10 mang tên: Bệnh viện bay ORBIS!
Bệnh viện có một không hai
Trang thiết bị trong các phòng được sắp đặt khoa học, và tất cả các phòng đều gắn camera để truyền trực tiếp các kỹ thuật tới màn hình lớn cho các học viên ở ngoài phòng đào tạo có thể quan sát được. |
Sau một hồi chờ đợi dưới cái nắng gắt ở phía ngoài chiếc máy bay màu trắng đang khu đậu trong sân bay Đà Nẵng rồi cũng tới lượt mình vào trong máy bay để tận mắt “mục sở thị” Bệnh viện bay ORBIS. Cảm nhận đầu tiên khi bước vào phòng đào tạo trong máy bay là không khí mát dịu và một tinh thần làm việc tập trung, nghiêm túc của các chuyên gia lẫn các học viên.
Bác sĩ Trần Thị Hoa Ban, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, cho biết trong những lần đến Đà Nẵng, ORBIS đã giúp đỡ rất nhiều về chuyên môn cho Bênh viện Mắt. Có 5 bác sĩ được ORBIS tài trợ đi học chuyên khoa đã phát huy tốt năng lực chuyên môn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị tại đây cho bệnh nhân không chỉ Đà Nẵng mà cả 9 tỉnh thành khu vực miền Trung.… |
48 ghế ngồi màu xanh dương được bố trí ngay sau khoang lái được xem là phần nguyên bản của chiếc máy bay này. Tại đây, có một màn hình lớn đang chiếu trực tiếp những hình ảnh phẫu thuật cận cảnh từ phòng mổ do các chuyên gia đang phẫu thuật cho một bệnh nhi, vừa làm một cách chậm rãi, vừa giải thích chi tiết khiến tất cả mọi ánh mắt các học viên đều rất chăm chú hướng về phía màn hình.
Và liên tục trong thời gian ba tuần ở Đà Nẵng, 24 chuyên gia của Bệnh viện Bay Orbis tập trung vào các chủ đề chuyên khoa gồm: bệnh đục thủy tinh, glôcôm, bệnh lác, võng mạc, gây mê và điều dưỡng nhãn khoa… với phương pháp dạy trực quan như vậy.
Ngay cạnh phòng đào tạo là một thư viện mini với khá nhiều đầu sách chuyên môn về nhãn khoa phục vụ cho các học viên tìm hiểu thêm về chuyên môn nhãn khoa.
Chạy dọc theo hành lang về phía sau, lần lượt là phòng hội chẩn, phòng điều trị laser, phòng phẫu thuật, phòng điều dưỡng, phòng gây mê hồi sức và cuối cùng là trung tâm truyền thông.
Phòng phẫu thuật được đặt ở trung tâm và tất cả các phòng đều được ngăn cách nhau bằng tấm cứng và có lối đi nội bộ giữa các phòng. Mọi trang thiết bị, máy móc đều được sắp xếp gọn gàng, khoa học, tận dụng tối đa từng centimet, khiến không gian vốn hạn chế này đỡ phần chật chội (ngoại trừ lối đi của hành lang nằm dọc thân may bay).
Chúng tôi lên Bệnh viện bay đúng lúc các bác sĩ vừa phẫu thuật cho một ca mắt lác trẻ em thành công. Trên khuôn mặt của các chuyên gia nước ngoài ánh lên niềm rạng rỡ. Nhưng ngay sau đó mọi người đều cùng tất bật cho ca phẫu thuật tiếp theo cho một bệnh nhi khác đang được các bác sĩ chuyển vào từ phòng gây mê.
Các diện tích được tận dụng tối đa để phục vụ cho phòng chuyên môn nên diện tích hành lang chạy dọc thân máy bay là hạn chế hơn cả. |
Chờ tới lượt mình ngoài phòng khám, bệnh nhân Nguyễn Cho (64 tuổi, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) cho biết, cả hai mắt của ông bị mờ từ nhiều năm nay và tới giờ 10 phần chỉ nhìn được 2 phần khiến mọi sinh hoạt rất khó khăn. Ông thấy vui mừng vì mình là người may mắn được chọn lựa trong số hàng trăm bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng để phẫu thuật trên máy bay đợt này.
“Hy vọng qua lần phẫu thuật của các chuyên gia nước ngoài, mắt tôi sẽ trở lại bình thường”, ông Cho tâm sự.
Sứ giả của hòa bình
Giám đốc Bệnh viện bay ORBIS, ông David Johnson tỏ ra rất thân thiện và cởi mở, cho biết: bằng cách này, từ năm 1982 tới nay, Bệnh viện Bay ORBIS đã tới công tác ở 77 quốc gia, với 275 chương trình và đào tạo cho hơn 280.000 cán bộ, điều trị bảo vệ thị lực cho hơn 280.000 bệnh nhân.
“ORBIS là một tổ chức nhân đạo quốc tế có sứ mệnh bảo vệ thị lực toàn cầu hoạt động nhằm hỗ trợ tăng cường các chương trình đào tạo và phẫu thuật tại các nước sở tại. Chúng tôi trở lại Việt Nam lần này là lần thứ 5 và rất vui mừng khi có 4 lần tổ chức tại Đà Nẵng” , ông David vui vẻ cho biết.
Niềm vui mừng trên khuôn mặt của các chuyên gia sau khi phẫu thuật thành công cho một ca bị bệnh mắt. |
Ông cũng cho biết thêm, trong số 24 chuyên gia hàng đầu của thế giới về nhãn khoa đang làm việc trên ORBIS, đã có ½ trong số đó từng tới Việt Nam. “Tất cả họ đều rất thích thú và đánh giá cao tinh thần học hỏi của các bác sĩ Việt Nam. Không chỉ các bác sĩ Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi chuyên sâu mà họ còn đưa ra các hướng điều trị để nhận được góp ý tham khảo nhằm làm tốt hơn công việc của mình”, ông David nhận xét.
“Chúng tôi sẽ cùng nhóm bác sĩ tại Việt Nam khám chuyên sâu và điều trị bệnh mắt cho một số bệnh nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, qua các chương trình đào tạo, chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật không chỉ cho các bác sĩ nhãn khoa mà còn cả cán bộ liên quan khác như điều dưỡng, gây mê, bảo dưỡng trang thiết bị… và chúng ta sẽ đồng hành vì ánh sáng cho bệnh nhân Việt Nam và vì một thế giới không mù lòa”, ông David nói.
Ông cũng đưa ra một lời khuyên chân thành, rằng Việt Nam cũng như nhiều nước khác cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân ý thức giữ gìn và bảo vệ thị lực, bảo vệ đôi mắt. Và chính mỗi người cần phải biết tự chăm sóc cho đôi mắt cho chính mình.
Sau khoảng 30 phút tham quan, tác nghiệp, chúng tôi rời Bệnh viện bay ORBIS với cái bắt tay thật chặt và nụ cười thân thiện của ông giám đốc bệnh viện bay. Và với những việc làm đầy ý nghĩa, đầy tính nhân văn của họ, chúng tôi tin rằng, sẽ còn không ít những bệnh nhân bị tật về mắt sẽ sớm tìm lại được niềm vui của mình.
Bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Tổ chức ORBIS tại Việt Nam, cho biết tất cả 24 bác sĩ là những chuyên gia nhãn khoa hàng đầu thế giới làm việc trên Bệnh viện bay đều là những người làm tình nguyện. Họ không những không được hưởng lương trong suốt thời gian làm ở đây mà họ còn chấp nhận “mất” đi một khoản thu nhập tới hàng chục nghìn đôla mỗi ngày (bởi họ đều là những chuyên gia giỏi nhất đang làm việc ở các bệnh viện ở Mỹ, Anh, Canada…). Cũng theo bà Hương, nhãn khoa là một ngành chuyên sâu khó cần được hỗ trợ về kỹ thuật từ gây mê, chẩn đoán đến việc sử dụng máy móc phải hết sức thành thạo. Ngoài ra, phẫu thuật mắt là ngành cần có sự đồng bộ rất cao từ các khâu, bởi mọi thứ đều phải tiến hành hoàn toàn chính xác bởi chỉ cần một sơ suất rất nhỏ cũng có thể dẫn tới mù vĩnh viễn. Qua chương trình này, các bác sĩ của Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm chuyên môn quý từ chuyên gia giỏi nhất trên thế giới truyền đạt và hướng dẫn để phần nâng cao chuyên môn về nhãn khoa. Là bệnh viện hoạt động từ thiện, Bệnh viện bay ORBIS được sự tài trợ to lớn và thường xuyên từ FedEx, một tập đoàn thương mại quốc tế lớn, cung cấp các dịch vụ vận chuyển thương mại điện tử và các dịch vụ thương mại khác từ hơn 30 năm nay. Trong lần trở lại Đà Nẵng lần này, FedEx cũng hỗ trợ 1 suất học bổng cho một bác sĩ nhãn khoa có triển vọng của khu vực miền Trung Việt Nam được du học tại một trong những cơ sở chăm sóc mắt hang đầu thế giới.… |
Bài và ảnh: Đắc Mạnh