.

Nhức nhối tình trạng nạo phá thai - Kỳ cuối: Hệ lụy khôn lường!

.

Tình trạng nạo phá thai quá dễ dàng ở các cơ sở tư nhân khiến không ít cô gái trẻ coi đây là “chuyện nhỏ”, mà không biết rằng hậu quả sẽ khôn lường.

Việc khám, tư vấn, chăm sóc thai sản cần được thực hiện tại các cơ sở y tế bảo đảm điều kiện về bác sĩ và máy móc. Hiện không có bất kỳ phòng khám tư nhân nào trên địa bàn Đà Nẵng có đủ điều kiện và được phép thực hiện nạo phá thai.  Trong ảnh: Siêu âm thai tại một bệnh viện ở Đà Nẵng. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)            Ảnh: V.DŨNG
Việc khám, tư vấn, chăm sóc thai sản cần được thực hiện tại các cơ sở y tế bảo đảm điều kiện về bác sĩ và máy móc. Hiện không có bất kỳ phòng khám tư nhân nào trên địa bàn Đà Nẵng có đủ điều kiện và được phép thực hiện nạo phá thai. Trong ảnh: Siêu âm thai tại một bệnh viện ở Đà Nẵng. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: V.DŨNG

Sáng “phá”, chiều đi thi!

Sáng 19-3, tại Bệnh viện Hoàn Mỹ (đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Đà Nẵng), một số cô gái khá trẻ ngồi đợi khám và phá thai. Tôi lân la làm quen với một cô trông khá xinh, ăn mặc hợp mốt. “Em có thai mấy tháng rồi?”. Cô gái trả lời ngay: “Cái thai được hơn 5 tháng. Hắn cao chạy xa bay rồi”. Bên cạnh là bà mẹ với khuôn mặt hốc hác: “Yêu ai không yêu lại đi yêu cái thằng đã có vợ. Sao mà dại dột thế con? Bây giờ thì biết kêu ai hở trời? Đã vậy lại không nói sớm, thai to như thế này làm sao đây?”. Chờ đợi lâu, cô gái cằn nhằn: “Thủ tục gì mất thời gian quá. Nhanh nhanh cho người ta chiều còn đi thi chứ!”. Cô gái 19 tuổi này tên là L.T.T.H (ở quận Thanh Khê), sinh viên Trường CĐ T.M Đà Nẵng. H. yêu một bạn cùng lớp và cái thai là kết quả của mối tình này. Tuy nhiên, khi biết H. có bầu, anh ta liền “quất ngựa truy phong”.

Trong những người ngồi chờ sáng hôm ấy, có những em đang học phổ thông, có em nghỉ học, chờ học nghề. T.P.T (ở quận Cẩm Lệ) 16 tuổi, rành rẽ: “Trong lớp em đứa nào cũng có người yêu. Giờ mà không có chàng nào để “cặp” thì quê một cục luôn”. Cô bé hồn nhiên: “Bạn em mấy đứa cũng đi phá thai rồi. Có đứa vừa “phá” xong lại phải thi môn thể dục nên bị ra máu”.

Thực tế, nhiều bệnh viện công không nạo phá khi thai quá lớn nên một số người tìm đến cơ sở y tế tư nhân. Trong khi đó, một số khác “ngại” đến bệnh viện công vì sợ gặp người quen nên chọn phòng khám tư để tránh tai tiếng và các thủ tục. Dù chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng ước tính mỗi ngày cũng có hàng chục người tìm đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để nạo phá thai, đa số họ còn rất trẻ, phần nhiều là người địa phương khác đến.

Phá thai nhiều lần lúc trẻ, đến nay, chị M.L (45 tuổi, ở quận Hải Châu) dù đã qua 3 đời chồng nhưng đều phải ly hôn vì không thể sinh con. “Ngày trước, cũng vì dễ dãi trong tình yêu nên tôi phải đi nạo phá thai nhiều lần. Bây giờ dù chạy chữa nhiều thầy, uống các loại thuốc nhưng các bác sĩ đều lắc đầu nói mình đã mất khả năng làm mẹ do tắc dính buồng tử cung. Giá mà…!”, chị L. nói trong nước mắt.

Trách nhiệm không của riêng ai

Bác sĩ Huỳnh Bá Tân, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Đà Nẵng, cho biết: “Mới đây, trung tâm vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân đi nạo phá thai ở một cơ sở y tế tư nhân nhưng bị sót nhau dẫn đến chảy máu liên tục, rất nguy hiểm. Sau đó, chúng tôi đã phải lấy nhau thai còn sót lại trong buồng tử cung cho người bệnh thì mới giữ được tính mạng. Việc nạo phá thai, nhất là nạo phá thai ở những phòng khám tư không có đủ phương tiện và điều kiện cần thiết sẽ dễ dẫn đến chảy máu, viêm nhiễm, thủng tử cung... Với các trường hợp thai lớn, tính rủi ro khá cao nên thai phụ phải nằm theo dõi cả tuần để đề phòng biến chứng. Tuy nhiên, ở các phòng khám tư thì điều này không được thực hiện”.

Thực tế, hầu hết các phòng khám tư về sản hiện nay chỉ treo bảng: Khám và điều trị phụ khoa - vô sinh, hướng dẫn các biện pháp sinh đẻ kế hoạch, sử dụng thuốc ngừa thai, rong kinh… Thế nhưng, khi người bệnh có nhu cầu nạo phá thai thì họ cũng thực hiện dù điều kiện không bảo đảm. Nói về vấn đề này, bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, khẳng định: “Hiện nay, không có bất kỳ phòng khám tư nhân nào trên địa bàn Đà Nẵng có đủ điều kiện và được phép thực hiện việc nạo phá thai. Ngay cả các trạm y tế ở các quận, huyện cũng không được làm việc này bởi Đà Nẵng không thiếu các cơ sở y tế có đủ điều kiện như: Trung tâm Phụ sản - Nhi, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản… Nếu phát hiện được nơi nào vi phạm, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay, nếu đúng sẽ xử phạt, tước giấy phép hành nghề và đóng cửa cơ sở đó”.

Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ tình trạng này không chỉ trông chờ vào ngành Y tế mà cần sự nỗ lực, phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. PGS,TS Tâm lý học Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, chia sẻ: “Chế độ dinh dưỡng và tiếp xúc sách, báo, phim ảnh khiến trẻ dậy thì sớm. Sự buông lỏng của gia đình, nhà trường đã khiến trẻ thiếu kỹ năng sống, không biết tự bảo vệ mình trước những cám dỗ, dẫn đến hậu quả xấu. Người mẹ phải đóng vai trò như người bạn để có thể chia sẻ, cảm thông với trẻ, giúp trẻ khỏi vấp ngã”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân , Phó Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin, hầu hết trẻ vị thành niên đều có sự hiểu biết nhất định về vấn đề sinh sản, tình dục. Tuy nhiên, do người lớn cứ giấu giếm, úp úp mở mở khiến các em càng tò mò, muốn khám phá. “Các em có thể có thông tin một chiều nhưng ai là người chia sẻ với các em ở chiều thứ hai? Chúng tôi đang triển khai mô hình “Tiền hôn nhân”, theo đó đã tư vấn cho 2.500 học sinh ở các trường về tình bạn, tình yêu, tình dục. Bên cạnh việc siết chặt quản lý các phòng khám tư cũng cần tăng cường việc đưa giáo dục giới tính vào nhà trường, vào sinh hoạt Đoàn, Đội. Vấn đề truyền thông phải được thực hiện ít nhất là từ cấp THCS. Cần xã hội hóa các biện pháp tránh thai, coi đó là phương tiện để hạn chế việc mang thai ngoài ý muốn”, BS Xuân nói.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.