.

Phòng, chống dịch tay - chân - miệng: Cần quyết liệt hơn

.

Riêng trong tháng 3-2012, bệnh nhân tay - chân - miệng (TCM) được điều trị tại Trung tâm Phụ sản - Nhi thành phố Đà Nẵng tăng gấp 2 lần so với những tháng trước đó.

Các bệnh nhân TCM phải nằm điều trị tại hành lang khoa Y học nhiệt đới, Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.   (Ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 9-4)
Các bệnh nhân TCM phải nằm điều trị tại hành lang khoa Y học nhiệt đới, Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. (Ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 9-4)

Quá tải ở Trung tâm Phụ sản - Nhi

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận Thanh Khê đã ghi nhận 115 ca mắc TCM, quận Hải Châu 112 ca. Không dừng lại ở các quận trung tâm, số ca mắc TCM tăng cao và có độ phủ rộng ở hầu hết các phường, xã trên địa bàn thành phố. Đến cuối tuần qua, huyện Hòa Vang ghi nhận 82 ca, quận Cẩm Lệ 79 ca, quận Liên Chiểu 98 ca, quận Ngũ Hành Sơn 80 ca, quận Sơn Trà 82 ca, nâng tổng số bệnh nhân mắc TCM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ đầu năm đến nay là 648 ca. Đáng báo động hơn, tại Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng từ đầu năm đến nay đã và đang điều trị cho 1.968 ca TCM ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng. Riêng trong tháng 3, số bệnh nhân mắc bệnh TCM được ghi nhận tại trung tâm là 1.192 ca, tăng hơn 2 lần so với tháng 2 (724 ca). Số bệnh nhân TCM liên tục được phát hiện khiến khoa Y học nhiệt đới của Trung tâm Phụ sản - Nhi trở nên quá tải.

Hiện tại, Trung tâm Phụ sản - Nhi đang điều trị nội trú cho 315 ca nghi ngờ TCM, trong đó có 16 ca bệnh nặng. Trong khi đó, khoa Y học nhiệt đới của Trung tâm Phụ sản - Nhi chỉ có 120 giường bệnh. Trước thực trạng trên, trung tâm đã tăng cường hơn 100 giường xếp để bảo đảm cho mỗi bệnh nhân một giường. Theo ghi nhận của chúng tôi vào đầu tuần qua, các hành lang và chân cầu thang của khu A và khu B khoa Y học nhiệt đới đã được tận dụng để bố trí cho các bệnh nhân nằm điều trị. Các phòng cũng được tăng thêm một giường. Các ca bệnh nặng được điều trị tại phòng đặc biệt của khoa Hồi sức cấp cứu nhằm cách ly với những bệnh nhân khác.

Tăng cường phòng, chống dịch TCM

Trước thực trạng dịch TCM tăng nhanh và diễn biến phức tạp, Trung tâm Phụ sản - Nhi đã thành lập tổ lưu động để phòng chống dịch. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Phòng Hành chính quản trị, tất cả các cán bộ, nhân viên của trung tâm đến nay đã được tập huấn nhiều lần về bệnh TCM. Các bác sĩ khoa Hồi sức Nhi và Nhi lây đều được tập huấn điều trị bệnh TCM theo phác đồ mới của Bộ Y tế. Ngoài ra, trung tâm đã thành lập 4 tổ cấp cứu TCM để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới, đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường công tác xử lý dịch ở khu dân cư.  Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cũng đã cung cấp máy siêu lọc máu, máy thở; chuẩn bị đầy đủ thuốc Humaglobulin và Milrinone để điều trị bệnh TCM theo phác đồ của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đẩy mạnh hoạt động truyền thông - tư vấn về phòng bệnh TCM tại Trung tâm Phụ sản - Nhi; tăng cường giám sát tình hình và kiểm tra công tác phòng chống TCM tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Xác định TCM là dịch bệnh trọng điểm, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Phụ sản - Nhi đặt trọng tâm vào vấn đề điều trị và giảm tỷ lệ tử vong, xem nhiệm vụ này là ưu tiên hàng đầu. Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành. Theo đó, người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thật sự cần thiết. Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng; không được chọc vỡ các mụn nước, bọng nước trên da bệnh nhân; giặt các đồ dùng và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn. Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch và cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi bệnh.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.