.

Bệnh tay - chân - miệng còn diễn biến phức tạp

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng khẳng định: Bệnh tay - chân - miệng (TCM) vẫn còn diễn biến phức tạp, thậm chí có thể có thêm trường hợp tử vong nếu các biện pháp phòng, chống dịch không quyết liệt.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến

* Đánh giá sơ bộ của bác sĩ về diễn biến của tình hình dịch TCM trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian qua như thế nào?

- Tình hình bệnh TCM tại thành phố Đà Nẵng cũng như cả nước đang diễn biến phức tạp và tiên lượng bệnh khó lường. Tại Đà Nẵng, tính đến hết ngày 8-5, ghi nhận 1.293 trường hợp TCM đã và đang điều trị tại các cơ sở y tế (so với cùng kỳ năm 2011 chỉ ghi nhận khoảng 40 trường hợp), trong đó: Hải Châu 211 ca, Liên Chiểu 197 ca, Thanh Khê 198 ca, Sơn Trà 206 ca, Ngũ Hành Sơn 164 ca, Hòa Vang 172 ca, Cẩm Lệ 145 ca. Có 1 trường hợp tử vong (trẻ 22 tháng, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, tử vong ngày 14-2-2012). Đa số các ca bệnh là trẻ trên 3 tuổi. Các ca bệnh rải rác ở 54/56 xã, phường (riêng các xã Hòa Bắc và Hòa Phú, huyện Hòa Vang chưa ghi nhận bệnh nhân).

* Diễn biến dịch TCM được xác định là phức tạp. Vậy, đâu là nguyên nhân gây biến chứng và tử vong cao, thưa bác sĩ?

- Qua công tác giám sát bệnh nhân, các ca mắc tập trung vào đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi, chiếm tỷ lệ 97,60% và trẻ em trên 3 tuổi chiếm tỷ lệ 69,59%. Đây là lứa tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo, chưa tự ý thức phòng bệnh, một số bệnh nhân còn rất nhỏ (dưới 12 tháng tuổi) nhưng vẫn mắc bệnh. Số mắc bệnh TCM liên quan đến trường học chiếm tỷ lệ 24,14%; số mắc không liên quan đến trường học là 75,86%. Tỷ lệ người trực tiếp chăm sóc trẻ mang virus TCM nhưng không có biểu hiện bệnh rất cao. Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, có địa phương tỷ lệ người lành mang vi trùng đến 71%. Đây là phương thức lây truyền có diện rộng và rất khó kiểm soát. Để ngăn chặn dịch bệnh, đòi hỏi phải có sự can thiệp từ cộng đồng và nhiều ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia, phối hợp.

Bệnh TCM hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu; kiến thức về phòng, chống dịch bệnh của những người chăm sóc trẻ còn thấp. Vì vậy, thời gian đến, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm của bệnh (từ tháng 3-5), tình hình dịch bệnh TCM sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí có thể có thêm trường hợp tử vong nếu các biện pháp phòng, chống dịch không quyết liệt, người dân không tự giác nâng cao kiến thức và thực hành vệ sinh phòng bệnh, nhất là những người trực tiếp chăm sóc trẻ.

* Trước tình hình như vậy, Sở Y tế đã và đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện những giải pháp gì để khống chế dịch?

- Sở Y tế đã tham mưu kịp thời cho Thành ủy, UBND thành phố trong công tác chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia phòng chống dịch. Thành lập các đoàn kiểm tra thực tế công tác triển khai phòng, chống dịch ở các địa phương và đơn vị y tế quận, huyện, xã, phường. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng duy trì giao ban định kỳ về công tác phòng, chống dịch bệnh với các quận, huyện; chỉ đạo các đơn vị kiểm tra công tác phòng chống bệnh TCM tại các cơ sở y tế, trường mầm non, khu dân cư…

Đến nay, Sở đã tổ chức tập huấn cho 100 học viên về quy trình giám sát, xử lý dịch TCM và 2 lớp hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế. Sở đã phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú, từ cấp thành phố đến tổ dân phố, khu dân cư. Các trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch, như máy siêu lọc máu, Monitor, máy thở, bơm tiêm điện…, các loại thuốc cũng được tăng cường kịp thời để điều trị bệnh nhân và bảo đảm đủ vật tư hóa chất phục vụ cho việc xử lý dịch.

* Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng quá tải vì bệnh TCM tăng cao. Sở Y tế có những biện pháp gì để chỉ đạo khắc phục tình trạng này và tránh nguy cơ lây lan bệnh trên diện rộng?

- Số bệnh nhân tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi đều tập trung điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, dẫn đến tình trạng quá tải. Sở Y tế đã chỉ đạo bố trí thêm một khu điều trị cho khoa này, tăng cường bác sĩ, điều dưỡng... từ các khoa, phòng khác và từ Bệnh viện Đà Nẵng, sang nhằm bảo đảm nhân lực phục vụ cho công tác khám và điều trị TCM. Thành lập một tổ truyền thông - tư vấn do các bác sĩ và cán bộ của Bệnh viện Phụ sản- Nhi, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông, giáo dục sức khỏe phụ trách… Tổ tư vấn đặt tại phòng khám Nhi có nhiệm vụ giám sát, tư vấn trực tiếp và hướng dẫn cho người dân về cách chăm sóc, điều trị, theo dõi, phòng bệnh tại nhà đối với những trường hợp nghi bệnh TCM và TCM độ I theo đúng quy trình do Bộ Y tế ban hành.

Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp kiểm tra và tiến hành phun hóa chất diệt khuẩn, bảo đảm cấp đầy đủ Cloramin B để sát khuẩn môi trường bệnh viện, tăng cường xà phòng rửa tay và các dung dịch sát khuẩn cho nhân viên y tế cũng như người chăm sóc bệnh nhân TCM. Tổ chức đào tạo cho các bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tư nhân trong công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân TCM để tiến đến phân tuyến điều trị, giảm tình trạng quá tải của Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi.

* Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân về những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và phòng chống dịch TCM?

- Người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp như tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong ăn uống; tăng cường các chất dinh dưỡng cho trẻ; thường xuyên làm sạch đồ chơi cho trẻ, nơi sinh hoạt gia đình và nhà trẻ, mẫu giáo. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện. Khi trẻ có biểu hiện sốt, quấy khóc, có các nốt bỏng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cùi chỏ tay, đầu gối hoặc miệng, lơ mơ, li bì thì đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

VĂN NỞ thực hiện

;
.
.
.
.
.