.

Lo với hàng ăn uống mất vệ sinh

.

Những ngày nắng nóng, không ít người lớn, trẻ em bị tiêu chảy do ăn uống ở hàng quán mất vệ sinh. Tình trạng hàng quán, thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh vẫn diễn ra phổ biến, nhưng chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ.

Hàng rong như thế này khó kiểm soát được chất lượng.
Hàng rong như thế này khó kiểm soát được chất lượng.

Hiện Đà Nẵng có gần 7.000 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh ngành hàng thực phẩm. Trong đó, 90% cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Để được cấp giấy chứng nhận ATVSTP, doanh nghiệp, cơ sở phải bảo đảm các quy định cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tránh xa các nguồn ô nhiễm, các chất gây độc hại, nguồn nhân lực tham gia các hoạt động chế biến phải được tập huấn và cấp giấy chứng nhận đã tham gia các lớp tập huấn ATVSTP, phải khám sức khỏe định kỳ và vệ sinh cá nhân… Tuy nhiên, chứng kiến các khâu phục vụ của các nhà hàng, quán ăn trong các đêm pháo hoa mới thấy thật khó yên tâm với con số 90% được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn ATVSTP.

Chúng tôi vào quán ăn N. (chuyên bò tái, thịt vịt) trên đường Trần Hưng Đạo, người vào ra nườm nượp, bàn chưa kịp lau đã có khách khác ngồi vào. Đĩa rau sống ăn kèm với thịt bò tái còn cả những cọng rau úa vàng. Trên bàn ăn không có giấy lau, bên ngoài những chiếc chén còn bám dầu mỡ lầy nhầy. Người mang thức ăn cho khách kiêm cả sắp đặt bàn. Trong khuôn viên bếp chật chội, người phục vụ gào thật to để gọi món cho khách. Nhà vệ sinh nằm ngay cạnh bếp ứ đọng nước và giấy vệ sinh trôi lềnh bềnh trên mặt sàn, mà giấy vệ sinh trong nhà vệ sinh cũng là loại giấy lau miệng. Ngay sau đêm thưởng thức món bê thui của quán N., chị Hằng (ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho biết đã thức “trắng mắt” bị đau bụng suốt đêm.

Đi chợ những ngày này, nhiều người than phiền vì mua nhầm thịt heo hư. Trời nắng nóng, lượng thịt heo tiêu thụ chậm dẫn đến việc người bán dùng hóa chất ướp để bán sang ngày khác là có thật tại một số chợ, nhất là những chợ nhỏ, chợ cóc phục vụ sinh viên, công nhân KCN. Quan sát tại đây thấy đa số là những thực phẩm giá rẻ, phơi nắng cả buổi, ruồi nhặng, bụi bặm là khó tránh khỏi. Vậy nhưng, việc kiểm tra tại những nơi này ít khi nằm trong “tầm ngắm” của lực lượng chuyên trách. Đối với các điểm buôn bán thức ăn như vậy, nguy cơ ngộ độc cho người dùng rất cao. Với cơ sở kinh doanh được cấp giấy phép hẳn hoi, nhưng thực tế quy trình chế biến cũng không đạt yêu cầu. Quán bún H. trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) treo tấm giấy chứng nhận ATVSTP cấp năm 1996 được lồng khung đàng hoàng. Diện tích quán ăn chật chội, vậy mà chủ quán còn treo vài lồng chim trong nhà, thực khách thi thoảng bất đắc dĩ phải “hít” mùi phân chim. Chỗ rửa chén bát chỉ hơn 1m2, rau sống không dám rửa nhiều nước vì sợ bầm dập. Nhìn thấy cái móng tay đen kịt của chị nhân viên lớn tuổi bưng bún, người ăn chỉ muốn nhắm mắt nuốt nhanh cho xong để ra về.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố cho biết, thông thường, mỗi giấy chứng nhận ATVSTP có giá trị 3 năm. Phí và lệ phí hồ sơ cấp phép khoảng 250.000 đồng/lần. Mỗi năm, chi cục tổ chức hậu kiểm các cơ sở một lần để kiểm tra việc duy trì các điều kiện của cơ sở. Nếu có vi phạm, trước tiên là nhắc nhở, sau đó tiếp tục kiểm tra, nếu vẫn còn vi phạm thì sẽ thu hồi cấp phép. Ông Tiến nói thêm, hầu hết các cơ sở, nhà hàng, doanh nghiệp chấp hành khá tốt khâu ATVSTP. Khoảng 15% cơ sở, doanh nghiệp vi phạm nhỏ có sửa chữa khắc phục. Tuy nhiên, với mức kiểm tra mỗi năm chỉ một lần thì chưa đủ và chưa giám sát chặt chẽ được khâu ATVSTP nguồn nguyên liệu đầu vào, các khâu chế biến... Lao động phục vụ trong nhà hàng, quán ăn hay các cơ sở kinh doanh chỉ là lao động thời vụ, chi phí rẻ, chủ yếu là sinh viên hoặc những lao động phổ thông đi làm thêm, họ không qua tập huấn đào tạo ATVSTP và chủ cơ sở cũng không chú trọng công việc này.

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố trong lễ hội pháo hoa vừa qua, nhiều nhà hàng, khách sạn lớn cũng vi phạm về ATVSTP như: kho chứa rác gần nơi chế biến thực phẩm chín, để cùng với đồ dùng, sử dụng nước rửa chén không có nguồn gốc xuất xứ… nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, chưa xử phạt. Liệu sau khi đoàn kiểm tra quay đi, các cơ sở, nhà hàng này sẽ thực hiện nghiêm túc hay vì chi phí rẻ và tiện lợi, họ sẽ tiếp tục sử dụng các nguồn nguyên liệu có lợi cho mình nhất, mặc cho sự an toàn của thực khách bị bỏ ngỏ?

Bài và ảnh: A.DUYÊN – H.HẰNG

;
.
.
.
.
.