.

Tháng 5, hơn 6.500 ca mắc bệnh tay chân miệng, 6 ca tử vong

(ĐNĐT) - Báo cáo tại buổi giao ban trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch tay chân miệng (TCM) với sự tham gia của các đại biểu của 39 tỉnh, thành phố có số mắc và tử vong cao do bệnh TCM, Bộ Y tế cho biết, tính đến giữa tháng 5-2012, đã có 46.277 trường hợp tại 63 tỉnh, thành phố mắc bệnh TCM. Trong đó, có 27 trường hợp tử vong ở 13 tỉnh, thành phố. Chỉ tính riêng trong tháng 5-2012, cả nước có 6.569 trường hợp mắc, đã có 6 trường hợp tử vong. So với tháng 4-2012, số mắc bệnh TCM có xu hướng giảm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong thời gian đến, dịch TCM sẽ còn diễn biến phức tạp trên diện rộng với số ca mắc cao vì những nguyên nhân như: bệnh do vi rút đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp; có nhiều tuýp vi rú gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp vi rút khác nhau, đặc biệt sự lưu hành của tuýp vi rút EV 71 cao nên có nguy cơ diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong. Bệnh lưu hành rộng ở nhiều địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực; trong khi đó, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: các biện pháp triển khai chưa triệt để nên tình hình dịch giảm chậm, nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác dự phòng, điều trị và phòng chống dịch TCM. Công tác tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả, việc xử lý các ổ dịch còn gặp nhiều khó khăn do tác nhân gây bệnh là vi rút đường ruột nên không có biện pháp xử lý dịch đặc hiệu, khó xác định ngườn lây…

Tại buổi giao ban trực tuyến, Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động trọng tâm trong công tác phòng chống dịch TCM. Trong thời gian đến, tiếp tục tăng cường công tác tổ chức chỉ đạo và nắm chắc tình hình dịch tại các địa phương; đẩy mạnh công tác tuyền thông trong toàn xã hội với 4 nội dung cụ thế, đó là: đối tượng có nguy cơ mắc bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, không có thuốc điều trị đặc hiệu và không có vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, công tác điều trị giảm tử vong; công tác giám sát, chống dịch; công tác phối hợp và công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đầu tư kinh phí cũng để tiếp tục phòng chống dịch TCM cũng đã được Bộ Y tế đưa ra.

VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.