Đà Nẵng đang đặt mục tiêu trong năm nay sẽ thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Bên cạnh niềm vui, sự mong chờ, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn.
Bà Huỳnh Thị Liêm (57 tuổi, ở quận Hải Châu) chờ đợi khám bệnh bằng BHYT. |
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, khá đông bệnh nhân đến để chờ đến lượt khám bệnh. Khi được hỏi về quyết định mới của thành phố về thực hiện BHYT toàn dân, bà Trương Thị Cúc (41 tuổi, ở quận Thanh Khê) cho biết: “Tôi chỉ mới nghe trên báo đài, chứ chưa thấy địa phương triển khai. Tôi hay đau ốm, thường xuyên đi khám bệnh nên mua thẻ BHYT. Chắc sắp đến nếu thành phố vận động thì sẽ mua tiếp cho 3 đứa con”.
Thành phố vừa có Quyết định về thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn vào năm 2012 và những năm tiếp theo. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2012, sẽ phát triển BHYT toàn dân đến tất cả các nhóm đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại doanh nghiệp, cán bộ hưu trí, mất sức, hộ nghèo, cận nghèo, quần chúng nhân dân… đạt tỷ lệ 91% với hơn 151.000 người cần vận động. Tuy Quyết định này có hiệu lực từ ngày 11-5-2012, nhưng nhiều người dân hiện chưa nắm rõ. Bà Huỳnh Thị Liêm (57 tuổi, ở quận Hải Châu) cho hay: “Tôi bị ung thư vú đã mổ hơn 9 năm nay, tái khám thường xuyên nên phải mua BHYT, gia đình tôi 3 người, nhưng chồng tôi chưa mua. Vì không có tiền nên mấy tháng nay tôi không mua, giờ thành phố vận động thì tôi cố gắng mua lại. Có BHYT cũng đỡ lắm, nếu không có thì chi phí thuốc men lên đến hàng chục triệu đồng”. Còn chị Võ Thị Nhành (Quảng Ngãi) buồn rầu nói: “Tôi bị bướu, phải khám chữa bệnh, uống thuốc, tốn nhiều tiền lắm. Ngày trước đâu có nghĩ đến việc đau ốm nên không mua BHYT, giờ khám chữa bệnh tốn tiền quá, sắp đến chắc phải mua thôi!”.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lo lắng về chất lượng phục vụ khi khám, chữa bệnh bằng BHYT. Ông Mai Phước Bê (69 tuổi, cán bộ hưu trí, ở quận Thanh Khê) cho rằng, khi khám chữa bệnh bằng BHYT, nhiều lúc phải chờ lâu. Thêm vào đó, thái độ phục vụ của các y, bác sĩ với bệnh nhân có BHYT chưa nhiệt tình… Cùng tâm trạng như ông Bê, chị Võ Thị Dung (26 tuổi, ở quận Liên Chiểu) quan ngại về sự không nhiệt tình của các y, bác sĩ. Chị Dung nói: “Khi mua BHYT, chúng tôi đăng ký tuyến tiện lợi nhất cho mình, nhưng khi bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên thì thủ tục khá rườm rà”. Đó là chưa kể đến việc quản lý chất lượng thuốc khám, chữa bệnh bằng BHYT cũng có nhiều khó khăn và bất cập, một số loại thuốc bị thiếu. Bà Phan Thị Hiền (56 tuổi, ở huyện Hòa Vang) phàn nàn: “Nhiều lúc tôi được phát thuốc, nhưng có khi thuốc đó hết, tôi phải dùng tạm vài ngày rồi xuống lấy tiếp”.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Trưởng phòng Thu BHXH thành phố Đà Nẵng cho biết: “Từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cả thành phố có hơn 700.000 người tham gia (tính đến hết ngày 30-4-2012), chiếm khoảng 79% dân số thành phố. Trong đó, nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế như người nghèo, dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… được Nhà nước hỗ trợ để hưởng những quyền lợi khi khám, chữa bệnh”.
Trong khi đó, theo bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, hiện trên toàn thành phố còn khoảng 20% số người chưa tham gia BHYT. Trong các nhóm đối tượng, khoảng 44% số người chưa tham gia BHYT là những người lao động tự do (xích lô, xe thồ, các cơ sở sản xuất nhỏ…) và 20% số học sinh, sinh viên. Nếu vận động được số người này tham gia thì BHYT toàn dân sẽ tăng lên đáng kể. Ông Chiến cho rằng, đây là thách thức khi cuối năm nay, mục tiêu đặt ra là 91% số người dân Đà Nẵng tham gia BHYT. “Bên cạnh vận động, tuyên truyền, chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc bởi người dân có thể chưa hiểu hết được những quyền lợi mà BHYT mang lại. Đồng thời, Sở Y tế sẽ thanh tra, kiểm tra định kỳ để bảo đảm việc các y, bác sĩ có thái độ tốt với bệnh nhân nhưng vấn đề này cũng phụ thuộc lớn vào ý thức, sự tu dưỡng đạo đức ngành nghề của mỗi y, bác sĩ”, ông Chiến cho biết.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRANG