.
VẤN ĐỀ CỬ TRI QUAN TÂM

Không để mất an toàn từ thực phẩm nhập lậu

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, những bức xúc về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó nhức nhối nhất là tình trạng thực phẩm “độc hại” nhập lậu đang bày bán tràn lan trên thị trường được người dân thẳng thắn đề đạt đến Quốc hội.

Liên tiếp trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng trăm tấn thực phẩm bẩn nhập lậu đang lén lút đưa vào thị trường, trong đó có nhiều loại gây “sốc” cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong khi cơ quan chức năng chưa xử lý vụ bắt giữ này thì lại xuất hiện vụ vận chuyển thực phẩm nhập lậu khác… gây lo lắng cho người dân.

Tràn lan thực phẩm nhập lậu

5 năm trở lại đây, mỗi năm các lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng trăm tấn thực phẩm bẩn, ôi thiu, thực phẩm nhập lậu lén lút đưa vào thị trường, trong đó có nhiều loại gây sự phẫn nộ cho người tiêu dùng. Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm do nước ngoài sản xuất khi lưu hành trên thị trường Việt Nam đều phải được kiểm định chất lượng. Nhưng hằng ngày, hằng giờ chưa ai thống kê có bao nhiêu nguồn thực phẩm nhập lậu được sử dụng trong các bữa ăn. Tình trạng vi phạm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm liên tục xảy ra trong thời gian qua khiến cho người dân cả nước rất lo lắng vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Không khó để nói đến tính độc hại của các loại sữa nhiễm melamine có thể gây tử vong cho trẻ em hay như thực phẩm chứa chất bảo quản cấm dùng, nội tạng, chân bò, gà, kẹo tẩm hóa chất,… tất cả đều không qua kiểm soát, nếu được bày bán ở các nhà hàng, chợ, siêu thị và được người dân sử dụng làm thực phẩm hằng ngày thì nguy cơ nhiễm độc, tổn hại sức khỏe không thể lường hết.

Từ cuối năm 2009, một số quốc gia trên thế giới đã phát hiện, cảnh báo người tiêu dùng không nên sử dụng xí muội nguồn gốc Trung Quốc vì sản phẩm có chứa hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép. Tại thời điểm đó, nhiều địa phương của Việt Nam  tràn ngập thực phẩm này. Kết quả kiểm nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh phát hiện một số mẫu xí muội không hạt cho kết quả dương tính với chì, chất tạo ngọt và chứa chất phụ gia cấm, gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Theo các chuyên gia y tế, chất sodium cyclamate sẽ chuyển hóa thành chất cực độc có thể gây ung thư. Chất sulfur dioxide kết hợp với vitamin B1 lâu ngày sẽ gây thoái hóa não, gan, phổi...

Vì sao chưa giảm?

Đến nay, chưa ai thống kê được trên thị trường có bao nhiêu loại thực phẩm nhập lậu đang tồn tại. Bất cứ mặt hàng nào trong nước có và thị trường cần là nó lập tức xuất hiện. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, trú quận Sơn Trà bức xúc: “Lâu nay, một bộ phận người tiêu dùng sử dụng thực phẩm độc hại không nhãn mác mà không biết. Còn nhóm thực phẩm nội tạng nhập lậu nếu không có cảnh báo sớm thì người dân thiếu thông tin sẽ “lãnh đủ” nếu sử dụng”. Thực phẩm nhập lậu có sử dụng chất phụ gia gây nguy hại tới sức khoẻ của người tiêu dùng hay không, hoặc gây hại ở mức độ nào là lo lắng của nhiều người tiêu dùng rất muốn được giải đáp. Nhưng hiện tại chưa có câu trả lời cho những lo lắng này.

Điều làm người dân bức xúc và nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng và trước các kỳ họp Quốc hội là vì sao cơ quan chức năng tuyên bố sẽ siết chặt, chấn chỉnh và triệt phá, thế nhưng tình trạng vi phạm nói trên vẫn không giảm và có chiều hướng gia tăng. Cử tri cả nước bày tỏ mối hoài nghi về một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý ở cửa khẩu, các chốt trạm kiểm soát vận chuyển động vật không làm hết trách nhiệm của mình. Nói cách khác, tình trạng buông lỏng trong quản lý của các bộ, ngành đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng buôn bán thực phẩm “bẩn” len lỏi từ cửa ngõ biên giới tiến sâu vào các địa phương ở nước ta. Theo quy định, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất đều phải được Bộ Y tế kiểm định, được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mới được bán trên thị trường. Nhưng thực phẩm nhập lậu không có tờ giấy “thông hành” nào cả, bằng nhiều chiêu thức vẫn có mặt trong chợ, quán ăn, nhà hàng, thậm chí trong cả bữa cơm gia đình. Mức độ độc hại của thực phẩm nhập lậu đến đâu thì chưa ai kiểm chứng được.

Việc thực phẩm nhập lậu trôi nổi trên thị trường hiện nay là điều đáng lo ngại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Nhưng vì sao chưa ngăn chặn được? Theo lý giải của nhiều cơ quan chức năng thì hiện nay biện pháp ngăn chặn vẫn chủ yếu như kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy, lực lượng mỏng, thủ đoạn buôn lậu lại ngày một tinh vi, bắt giữ không xuể… Thậm chí mỗi năm tổ chức một vài đợt kiểm tra liên ngành nhưng giống như việc “cưỡi ngựa xem hoa”. Do vậy, một số cuộc kiểm tra vẫn nặng tính hình thức, chưa giải quyết được vấn đề sống còn liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng hằng ngày, hằng giờ. Cử tri Đà Nẵng mong muốn đại biểu Quốc hội sớm có ý kiến về tình trạng này.

LÊ DŨNG

;
.
.
.
.
.