.

Đà Nẵng qua 3 năm thực hiện Luật BHYT

.

Sau 3 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) kể từ ngày 1-7-2009 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã có những chuyển biến rõ nét cả về nhận thức đối với lĩnh vực BHYT cũng như số người tham gia. Nếu bình quân của cả nước có khoảng 65% dân số tham gia BHYT thì riêng Đà Nẵng có đến trên 78% dân số tham gia. Đây là tiền đề để Đà Nẵng tiến đến BHYT toàn dân vào năm 2012, sớm 2 năm so với luật định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng cao.			        Ảnh: V. Dũng
Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng cao. Ảnh: V. Dũng

Những kết quả đạt được

Ngay sau khi Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, Đà Nẵng đã tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt theo 3 cấp thành phố, quận, huyện và các xã, phường. BHXH thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, khá hấp dẫn như viết bài, đưa tin trên bản Thông tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Báo Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng; cùng với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng thực hiện chương trình “Cùng chúng tôi đối thoại” về công tác khám chữa bệnh theo Luật BHYT, xây dựng các phóng sự, tiểu phẩm về BHYT nhân dân, BHYT học sinh sinh viên phát trên Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng, thường kỳ phát thanh trên Đài Truyền thanh các quận, huyện về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT đến tận xã, phường, tổ dân phố, thôn làng. BHXH thành phố đã in hàng trăm ngàn tờ rơi về BHYT phát hành đến tận người lao động, các tầng lớp nhân dân, tổ chức các buổi nói chuyện, đối thoại trực tiếp, giải đáp thắc mắc cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhà máy…;  xây dựng mạng lưới đại lý thu BHYT tại các xã, phường. Đặc biệt, từ khi Chính phủ quyết định lấy ngày 1-7 là ngày BHYT Việt Nam, hằng năm, bên cạnh việc thực hiện các phóng sự, tổ chức nói chuyện tại các xã, phường, xây dựng số chuyên trang BHYT trên Báo Đà Nẵng, còn tổ chức treo hàng trăm băng-rôn, phướn trên các trục đường chính của thành phố, góp phần tạo nên sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân về BHYT.

Với những nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện về công tác BHYT, trong 3 năm qua kể từ ngày Luật BHYT có hiệu lực thi hành, Đà Nẵng đã có những chuyển biến rõ nét về nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT, chính vì thế số người tham gia BHYT luôn tăng theo từng năm, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2009, toàn thành phố có 573.132 người tham gia các loại hình BHYT, chiếm tỷ lệ 64,07% dân số; năm 2010, có 691.816 người tham gia, chiếm tỷ lệ 74,71% dân số; thì đến năm 2011, có 770.233 người tham gia, chiếm tỷ lệ 81,94% dân số. Trong 5 tháng đầu năm 2012, do tác động của tình hình kinh tế, nhiều doanh nghiệp khó khăn, đình đốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, số người tham gia BHYT có giảm so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, BHXH thành phố cũng đã khai thác mới trên 3.000 người tham BHYT bắt buộc, hơn 33.000 người tham gia BHYT tự nguyện. Số thu BHYT toàn thành phố trong 3 năm 2009 - 2011 gần 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác khám chữa bệnh BHYT luôn được ngành Y tế, BHXH đặc biệt quan tâm. Có thể nói, các cơ sở KCB của thành phố đã cơ bản tạo được niềm tin cho người dân không chỉ trên địa bàn mà còn là địa chỉ đáng tin cậy của người dân trong khu vực, trong đó có một số lĩnh vực đã tạo được “thương hiệu” riêng của y tế thành phố từ chuyên môn đến cung cách phục vụ, thực hiện tốt việc “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”. Trong 3 năm qua, toàn thành phố có hơn 4 triệu lượt người điều trị ngoại trú, với chi phí khám chữa bệnh trên 400 tỷ đồng; gần 400.000 lượt người điều trị nội trú, với chi phí trên 520 tỷ đồng. Cá biệt có một số trường hợp bệnh nhân BHYT mắc phải bệnh hiểm nghèo, BHXH chi trả hàng trăm triệu đồng. Chị Lê Thị Nga (thường trú tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) đang điều trị tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Tôi thuộc diện hộ nghèo, đã điều trị tại đây hơn 3 năm. Nếu không có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cấp cho tôi tấm thẻ BHYT, không có sự tận tình điều trị của các y bác sĩ ở đây, chắc tôi đã qua đời từ lâu rồi…”; hay như em Nguyễn Thảo Như (học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ) bị bệnh dãn não thất, điều trị tại bệnh viện gần 90 ngày, BHXH đã chi trả 119 triệu đồng; em Nguyễn Thành Tài (học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn) bị bệnh thiếu máu huyết tán điều trị tại bệnh viện 80 ngày, BHXH đã chi trả 68 triệu đồng...

Những vướng mắc, kiến nghị

Qua 3 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, tuy đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc và thách thức. Nhiều chủ doanh nghiệp cố tình không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ BHYT cho người lao động; số đối tượng học sinh sinh viên, hộ cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp tham gia chưa nhiều; hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT vẫn xảy ra; nguy cơ bội chi quỹ BHYT luôn tiềm ẩn nhất là sau khi thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29-2-2012 về ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước; những bất cập trong chuyển tuyến chuyên môn kỹ thật từ tuyến xã, phường lên quận, huyện; xác nhận của cơ quan có thẩm quyền khi bị tai nạn giao thông…

Để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Luật BHYT nhằm hướng đến BHYT toàn dân vào năm 2012 và những năm tiếp theo trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng Nhân dân thành phố, cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHYT với hình thức phong phú, hấp dẫn, nội dung giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, những vấn đề người dân thật sự quan tâm; cần sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật BHYT; đầu tư nâng cấp toàn diện các cơ sở y tế, nhất là tuyến cơ sở, bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao y đức, bảo đảm “sự hài lòng của người bệnh”, nên chăng xây dựng mới từ 3 đến 4 bệnh viện có từ 400 đến 500 giường; bảo đảm cấp kinh phí và hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các đối tượng kịp thời, đúng quy định; mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính cho người tham gia, phát hành thẻ BHYT, trong khám chữa bệnh, giám định chi phí KCB BHYT... Ông Đinh Văn Hiệp, Bác sĩ chuyên khoa II, Giám đốc BHXH thành phố cho biết: “Trên cơ sở Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng Nhân dân thành phố, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch BHYT toàn dân năm 2012 và những năm tiếp theo. Cơ quan BHXH thành phố đang chủ động, khẩn trương, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan để tổ chức triển khai thực hiện, nhằm quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2012 sẽ có 91% dân số thành phố tham gia BHYT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố”.

NGUYỄN TÂN (BHXH Đà Nẵng)
 

;
.
.
.
.
.