Gần đây, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế thành phố) đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và các loại nước giải khát khác trên địa bàn, nhưng chưa cơ sở nào phải đình chỉ sản xuất, mà chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn là không có cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bằng chứng là trên địa bàn thành phố năm nào cũng có nhiều người bị ngộ độc thức ăn, nước uống.
Một quán nước giải khát trên vỉa hè đường Lê Hồng Phong. |
Trên thị trường có nhiều loại nước giải khát, từ các loại nước hoa quả, nước ép trái cây, nước lá cây, bột củ đến các loại nước uống đóng chai. Riêng nước đóng chai khá phong phú với những mẫu mã, chủng loại đa dạng, nhiều màu sắc, mùi vị hấp dẫn. Tuy nhiên, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của nước giải khát luôn là vấn đề đáng quan tâm.
Trong dòng nước đóng chai của các doanh nghiệp trên thị trường, có tới vài chục nhãn hàng. Phổ biến nhất vẫn là các nhãn hàng nước tinh khiết, nước tăng lực, trà xanh, trái cây với đủ sắc màu như Pepsi, Tribeco, Trà xanh, Bidrico, Wonderfarm… Chủ một cửa hàng kinh doanh trên đường Thái Phiên cho biết thời điểm này, lượng tiêu thụ nước tinh khiết, nước ngọt tăng 30% so với tháng trước, đặc biệt là nước ngọt cho trẻ em tăng 20%. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt được hàng thật, hàng giả.
Trên thị trường có khá nhiều loại đồ uống được quảng cáo “nguyên chất, chiết xuất từ thiên nhiên” như nước cam ép, nước táo, bí xanh, nước dừa, nước xoài... Các loại nước “chiết xuất từ thiên nhiên” này đang thu hút người tiêu dùng với những chiêu thức quảng cáo hấp dẫn. Các loại nước ép trái cây cả ngoại nhập và sản xuất trong nước đa dạng và mang hương vị của cả bốn mùa, phù hợp với mọi khẩu vị. Đặc biệt là các loại nước được quảng cáo là chiết xuất từ thiên nhiên, có tác dụng giải nhiệt, giảm béo, đẹp da… được phụ nữ tin dùng. Tuy nhiên, chất lượng của các loại nước này thế nào khó mà biết được. Chị Trần Thị Thu H. ở phường Hòa Minh (Liên Chiểu) cho biết: Do việc pha nước cam cho con mất nhiều thời gian nên chị quyết định dùng nước cam đóng chai (lon) cho tiện. Lúc đầu 2 mẹ con cùng thích, nhưng sau 2 tuần liên tục xài nước cam đóng chai cháu bắt đầu lười ăn, còn chị luôn cảm thấy anh ách trong bụng. Đi khám bác sĩ mới biết trẻ em không nên uống quá nhiều nước có gaz và không phải nước có gaz nào cũng hợp với mọi người. Chị trở lại việc tự pha chế nước cam và cháu trở lại ăn uống bình thường, bản thân chị cũng mất đi cảm giác khó chịu trên.
Vào mùa nóng, các loại nước chế biến tươi như nước mía, nước ép trái cây cũng bày bán khắp nơi. Đối với các loại nước này, nguy hiểm nhất ở nước đá. Thực tế có rất nhiều cơ sở sản xuất nước đá bơm nước trực tiếp từ các giếng khoan lên để sản xuất, chỉ lọc rác, rất nguy hiểm. Bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cho biết, nước giải khát có đá là một trong những phương thức nhanh nhất để bùng phát dịch, nhất là mùa hè.
Lo ngại lớn nhất của ngành Y tế trong việc phòng chống dịch vào mùa hè, nhất là dịch tả và các loại bệnh lây qua đường tiêu hóa, là chất lượng các loại nước giải khát. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, khi có ổ dịch phát sinh sẽ rất khó kiểm soát. Vì vậy, ngoài việc tăng cường công tác giám sát, kiểm soát của các cơ quan chức năng, mỗi người hãy tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách tìm hiểu, chọn loại nước giải khát hợp vệ sinh để sử dụng.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH