.

Nguy cơ bùng phát bệnh thủy đậu

.

Bệnh thủy đậu (còn gọi là trái rạ) tuy là bệnh lành tính, nhưng nếu không được chăm sóc chu đáo và đúng cách, người bệnh có thể phải đối mặt với rất nhiều biến chứng khó lường.

Khi trẻ bị sốt và trên người có những bóng nước, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế.
Khi trẻ bị sốt và trên người có những bóng nước, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế.

Nguy cơ lây nhiễm cao

Chị Lê Minh Phượng (tổ 29, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) tâm sự: Cách đây 2 năm, con gái 5 tuổi của chị bị sốt,  sau đó bắt đầu nổi những mụn và bong nước, từ những mụn lẻ tẻ rồi dần lan toàn thân. Mặc dù nghe lời khuyên của các bác sĩ về cách phòng, chống lây nhiễm, nhưng khi bé trai 4 tuổi, cháu của chị, đến nhà chơi vài lần thì cũng bị lây bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh trái rạ có thể lây lan qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm trái rạ, hoặc lây lan qua sự tiếp xúc trực tiếp với mụn nước của người bệnh. Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc trực tiếp với quần áo hoặc vải trải giường... bị ô nhiễm bởi chất dịch tiết từ bóng nước hoặc từ miệng hay mũi của người bệnh. Ngoài ra, trái rạ có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai.

Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến cuối tuần qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 10 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 1 ca so với tuần trước đó. Tuy số ca mắc bệnh thủy đậu không nhiều, nhưng nguy cơ bùng phát bệnh này trong thời gian tới rất cao, nhất là trong những tháng hè và thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay.

Chủ động phòng ngừa

Thông thường, trái rạ là bệnh lành tính, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan... Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, bệnh trái rạ có thể hoàn toàn phòng tránh được bằng cách tiêm ngừa vắc-xin. Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm,  tiêm vắc-xin chủng ngừa rất có hiệu quả trong việc phòng chống bệnh trái rạ và tránh được biến chứng của bệnh trái rạ là bệnh Zona sau này. Điều đó không chỉ ngăn chặn bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng mà còn giúp trẻ không phải nghỉ học khi nhiễm bệnh và để lại sẹo cho trẻ.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Ủy ban An toàn Tư vấn tiêm chủng của Mỹ khuyến cáo rằng, đối với trẻ từ 12 tháng tới 12 tuổi, tiêm một liều và nên tiêm thêm liều thứ 2 cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi, hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thủy đậu trở lại, mặc dù trước đó đã tiêm ngừa. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất sau 6 tuần.

Hiện tại, bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng và có thể gây thành dịch. Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi chủng ngừa ngay trước khi bị lây nhiễm trong cộng đồng.

Bài và ảnh: VĨNH KHANG
 

;
.
.
.
.
.