Tăng viện phí, tăng giá thuốc, quá tải, tinh thần phục vụ của y, bác sĩ… là những vấn đề người dân quan tâm trong bối cảnh các mặt hàng thiết yếu khác chực chờ cơ hội tăng giá. Trong khi các bệnh viện (BV) công thở phào nhẹ nhõm bởi sắp giải bài toán thiếu kinh phí hoạt động thì không ít người bệnh đang thấp thỏm lo lắng do gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh tăng cao.
Chất lượng dịch vụ y tế không theo kịp
Ông Bùi Văn Học, cử tri quận Sơn Trà cho biết, một khi 477 dịch vụ kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá, chiếm khoảng 12% trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp, với mức tăng trung bình từ 2 đến 4 lần, một số ít dịch vụ tăng tương đối nhiều sẽ tác động mạnh nhất lên nhóm đối tượng chưa có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), nhóm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mắc các bệnh mãn tính như trường hợp của ông. Bởi vì nhóm đối tượng này phải đồng chi trả 5% (5% của giá viện phí cũ sẽ khác với 5% của giá viện phí mới, chưa kể các chi phí gián tiếp). Ngoài ra, tăng viện phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng sẽ khiến cho một số đối tượng chưa tham gia BHYT không “thiết tha” với BHYT.
Chấp nhận tăng chi phí khám, chữa bệnh so với mức thu cũ được cho đã quá lạc hậu, nhưng ông Phạm Đăng Ngọc, cử tri quận Hải Châu kiến nghị Nhà nước cần sớm lập Quỹ hỗ trợ bệnh nhân khó khăn để chia sẻ gánh nặng cùng chi trả do viện phí tăng. Bởi theo ông Ngọc, người dân phải đồng chi trả những loại giá dịch vụ y tế tăng theo quy định sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi thu nhập không tăng. Bên cạnh đó, phải “gồng mình” để chi trả các loại dịch vụ khác trong sinh hoạt hằng ngày như giá thu tiền vệ sinh môi trường, dịch vụ truyền hình, giá điện, giá nước sinh hoạt…
Các cử tri Đà Nẵng cũng có chung lo lắng và kiến nghị lên Bộ Y tế, đó là viện phí tăng nhưng chắc chắn vấn đề quá tải sẽ không thể giải quyết trong thời điểm này vì hạ tầng y tế, trong đó các cơ sở khám, chữa bệnh chưa mở rộng quy mô. Chính việc đi chữa bệnh nhưng phải chấp nhận nằm giường đôi, giường ba khiến người dân lo lắng nhất. Riêng ở BV Đà Nẵng, trong thời điểm hiện nay, tình trạng quá tải vẫn chưa giảm ở một số khoa như: Chấn thương chỉnh hình, nội tim mạch, nội tiêu hóa…
Bộ Y tế cho biết, giá quy định trong bảng giá điều chỉnh tăng viện phí lần này được xem là mức giá trần. Dựa trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố có sự xem xét, đưa ra mức thu viện phí sao cho phù hợp với địa phương mình. Tuy nhiên, các BV không được tùy tiện thực hiện việc điều chỉnh mức giá. Phải tính toán kỹ rồi tổng hợp danh sách các kỹ thuật, dịch vụ mà BV điều chỉnh tăng, hoặc giảm giá để trình Sở Y tế xem xét trình HĐND thành phố thông qua, sau đó BV mới được thu theo giá điều chỉnh mới.
Tuy nhiên, điều khiến người dân cả nước quan tâm nhất là Bảo hiểm xã hội phải sát sao hơn trong việc giám sát quyền lợi cho người tham gia BHYT, tránh thanh toán hai lần. Đơn cử như việc nằm ghép 2 - 3 người/giường bệnh thì giá cũng được giảm 50 - 70% nhưng làm sao có thể kiểm soát được bệnh nhân đó phải nằm ghép? Bên cạnh đó, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ, nhân viên y tế liệu có thay đổi theo hướng tích cực hơn vẫn đang là dấu hỏi lớn đối với nhiều người dân hiện nay.
Thuốc “thầm lặng” nâng giá
Trong khi giá viện phí mới còn nhiều bàn cãi vẫn chưa được áp dụng sau thời điểm 15-4-2012 thì hiện nay nhiều mặt hàng thuốc đã tăng giá, với tỷ lệ tăng trung bình từ 10 đến 15%. Trong đó có loại chỉ y tế tăng vài nghìn đồng, nhưng có loại tăng 14.000 - 18.000 đồng. Ra hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc bổ sung sắt cho vợ, anh Trần Văn Quang (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) bất ngờ khi biết loại thuốc mình vẫn mua đã tăng giá. Trước lúc mang thai, vợ anh uống thuốc Ferovit bổ sung sắt và axít folic với giá 75.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, cách đây 10 ngày, đi hỏi mua thì hộp thuốc này đã tăng giá 10.000 đồng. “Theo người bán thì loại thuốc này mới tăng giá cách đây 1 tháng. Vì thu nhập kinh tế gia đình trung bình nên khi mua thuốc tôi thường chú ý đến giá cả, nhưng khi thấy thuốc này tăng, lúc thì thuốc khác tăng. Nói chung là thuốc chữa bệnh có tăng giá người mua cũng đành chịu, đắt cũng phải mua”, anh Quang ngán ngẫm cho biết.
Qua khảo sát, trong tháng 4-2012 thuốc nội tăng giá nhiều và tăng cao hơn thuốc ngoại. Cụ thể, trong số gần 12.700 lượt mặt hàng thuốc nội thì có 65 loại tăng giá. So với đợt khảo sát 2 tháng trước thì giá thuốc đã có sự tăng mạnh. Người dân rất bức xúc chuyện giá thuốc cứ “thầm lặng” tăng với nhiều cách giải thích “cũ rích” như nhà sản xuất cắt hàng, giá ngoại tệ tăng, nguyên liệu đầu vào tăng... Cử tri bức xúc trước vấn đề này và kiến nghị cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ để tránh những thiệt hại do đầu cơ, tăng giá.
DIỆU MINH