.

Bệnh tay-chân-miệng diễn biến phức tạp

.

Dù đã qua 6 tháng đầu năm 2012, nhưng diễn tiến của dịch bệnh tay-chân-miệng (TCM) vẫn phức tạp. Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, trung bình mỗi ngày tiếp nhận và điều trị nội trú hơn 200 ca TCM với nhiều ca bệnh nặng, trong đó hơn 72% là bệnh nhi Đà Nẵng.

Phòng bệnh tại khoa Y học nhiệt đới phải thêm giường xếp cho bệnh nhi TCM.
Phòng bệnh tại khoa Y học nhiệt đới phải thêm giường xếp cho bệnh nhi TCM.

Bệnh diễn tiến khó lường

Bác sĩ Lê Văn Đoan, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi thành phố cho biết: “Bệnh TCM vẫn đang diễn biến rất phức tạp, thời gian tăng giảm từ cấp độ nhẹ chuyển sang nặng độ 3, 4, có khi chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Thậm chí, có những trường hợp nhập viện với biểu hiện chưa rõ ràng của bệnh TCM nhưng chỉ nửa ngày sau đã chuyển nặng, phải cấp cứu ngay”. Hiện tại, trung bình mỗi ngày khoa Nhi điều trị hơn 200 ca TCM, trong đó khoảng 20 ca chuyển hồi sức cấp cứu để theo dõi vì bệnh chuyển nặng, có thể gây tử vong nếu không điều trị tăng cường kịp thời.

Ngoài số bệnh nhi của Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi còn tiếp nhận trên 20% bệnh nhi TCM đến từ Quảng Ngãi, Quảng Nam. Trong đó, 5 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhi TCM đến từ Quảng Nam. Ngoài số trẻ nhập viện do TCM được phát hiện tại nhà, một số trường hợp bị lây chéo trong thời gian điều trị các bệnh khác tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Người nhà bé Nguyễn Đại Đăng Khoa (13 tháng tuổi) cho biết, trước khi nhập viện điều trị TCM, bé Khoa đã điều trị sốt siêu vi ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi, sau khi về nhà mấy ngày thì có dấu hiệu của bệnh TCM và buộc phải chuyển viện, nhập hồi sức để theo dõi. Bác sĩ Lê Văn Đoan cho rằng, với số bệnh nhi TCM đông như hiện nay, tình trạng lây chéo như trên là khó tránh khỏi.

Bệnh viện hoạt động quá công suất

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, Sở không nghiêm khắc trong việc phân tuyến điều trị bệnh TCM do bệnh chuyển biến rất nhanh, phức tạp và khó lường. Vì vậy, gần như tất cả các bệnh nhi TCM đều đổ dồn đến điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, dẫn đến tình trạng quá tải. Năm 2011, bệnh viện chỉ tiếp nhận và điều trị 2.632 ca TCM, nhưng chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay đã có đến hơn 5.030 ca nhập viện. Trong khi khoa Nhi của bệnh viện này chỉ có khoảng 270 giường, dành cho tất cả các trường hợp bệnh nhi, nhưng riêng số gường bệnh dành cho các ca TCM đã gần 200 giường.

Khoa Y học nhiệt đới, nơi điều trị nội trú các ca TCM hiện quá tải. Các phòng bệnh phải kê thêm giường, nhiều bệnh nhân và người nhà phải kê thêm giường xếp ở vị trí hành lang dọc các phòng bệnh. Thậm chí, những căn phòng dùng cho hoạt động hành chính của khoa cũng được trưng dụng để làm phòng bệnh. Ngoài ra, nhiều bệnh nhi đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi khiến số giường bệnh tăng lên. Người nhà của các em cũng phải túc trực thường xuyên để chăm sóc nên tình trạng chật chội, thiếu giường bệnh là khó tránh khỏi.

Không chỉ quá công suất về cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản - Nhi, nhất là khoa Nhi cũng phải làm việc gấp 2-3 lần so với những nơi khác. Cường độ làm việc căng thẳng nhưng số y, bác sĩ vẫn còn thiếu nên cũng tạo áp lực lớn đối với việc khám, chữa bệnh tại đây.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh TCM sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực miền Trung trong năm 2012. Và Bệnh viện Phụ sản - Nhi, nơi tiếp nhận cả những bệnh nhân ở các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ vẫn hoạt động trong tình trạng vượt quá công suất để ứng phó với dịch bệnh TCM.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.