Áp lực phải sinh con trai nối dõi tông đường vẫn còn rất nặng nề ngay cả trong những gia đình trí thức... Theo quy định của pháp luật, đây là hành vi cưỡng bức, cản trở việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Mẹ và con gái. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: THU HOA |
Mới sinh con đã tính chuyện đẻ tiếp!
Sau khi có con gái đầu lòng, chị Ngân mang bầu lần thứ hai trong tâm trạng hồi hộp. Trong lúc cả gia đình nhà chồng chạy cúng bái tứ phương cầu cho ra “thằng cu chính hiệu”, thì chị tìm đến thầy bói và được phán: “Nếu cô sinh con gái thì tui đốt sách không làm thầy!”. Khổ thay, trong kết quả siêu âm lại khẳng định thai là bé gái. Cho đến ngày lâm bồn, qua bao lần khám tới, khám lui, mọi người vẫn không thôi hy vọng kết quả siêu âm là... trật.
Đứa bé chào đời trong tâm trạng nửa vui, nửa buồn của gia đình. Và dù mới trải qua đợt vượt cạn lần hai với bao nỗi vất vả, hằng ngày chị vẫn phải nghe điệp khúc kèm lời “hối lộ” hấp dẫn: “Ráng sinh cho ra cái thằng, bao nhiêu của hồi môn sẽ dành hết cho nó”. Đã vậy, họ hàng đến thăm cháu đều không quên trách mắng ông trời: “Sao không nắn thành thằng cu?”.
Tốt nghiệp đại học, về làm dâu trong một gia đình cũng toàn người có học thức, nhưng chị Ngân không ngờ cái tư tưởng lạc hậu lại hiện hữu đậm đặc trong nhà mình. Dù không muốn sinh nhiều con, nhất là sợ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì đã qua hai lần mổ đẻ nhưng chị Ngân chỉ biết ngày ngày khóc thầm tủi phận. Ai chia sẻ, chị cũng nói rằng: “Muốn sống yên thân thì mọi giá phải sinh tiếp”.
Buộc sinh thêm con sẽ bị phạt
Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Nghị định 110 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình và Pháp lệnh Dân số thì mục tiêu của chính sách dân số nước ta nhằm bảo đảm cơ cấu dân số, phân bổ dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Theo đó, cần xây dựng quy mô gia đình một hoặc hai con. Mỗi công dân phải tham gia thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; không được phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Việc quyết định sinh con phải trên cơ sở thống nhất của vợ và chồng. Riêng việc gia đình buộc vợ, con dâu sinh thêm con là hành vi cưỡng bức, cản trở việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và hôn nhân tiến bộ. Người có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định.
Dù luật pháp khẳng định việc buộc sinh con, phân biệt trai, gái là hành vi bị cấm, nhưng thực tế điều này còn diễn ra phổ biến đến mức được coi là chuyện bình thường. Ngay cả không ít người làm công tác tư vấn, tuyên truyền về dân số và phòng chống bạo lực gia đình còn cho rằng, chỉ đến khi việc ép buộc dẫn đến xô xát, đánh nhau mới bị coi là bạo lực; nếu sự việc chỉ dừng ở mức gây áp lực tinh thần thì đó là “chuyện riêng trong nhà người ta, làm sao biết được” (!?).
H.D
(*) Tên nhân vật trong bài đã được đổi.