.
PHÒNG KHÁM BỆNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Khó kiểm soát chất lượng!

.

Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, Bộ Y tế có thẩm quyền cấp phép hoạt động cho các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, còn Sở Y tế thành phố chịu trách nhiệm quản lý về hồ sơ pháp lý, nhân sự, bằng cấp của thầy thuốc nước ngoài... Tuy nhiên, để kiểm soát về chất lượng khám chữa bệnh, giá thuốc... thì còn nhiều chuyện phải bàn.

Phòng khám Đông y Ái Tâm đang hoạt động với 1 bác sĩ người Quảng Tây (Trung Quốc).
Phòng khám Đông y Ái Tâm đang hoạt động với 1 bác sĩ người Quảng Tây (Trung Quốc).

Hiện nay, Đà Nẵng có 5 phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, trong đó 2 phòng khám Đông y và 3 phòng khám Tây y. So với các thành phố lớn ở hai đầu đất nước, số lượng phòng khám có yếu tố nước ngoài ở Đà Nẵng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đánh giá chung về hoạt động của các phòng khám này, bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, Sở Y tế thành phố, nhận định: Các phòng khám về cơ bản có mức độ hoạt động thấp, mang tính cầm chừng, số lượng bệnh nhân hạn chế. Một số phòng khám do doanh nghiệp tư nhân đứng ra tổ chức và thuê bác sĩ về làm việc. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, trước đây cũng có một số phòng khám Đông y Trung Quốc hành nghề tại Đà Nẵng, nhưng do hoạt động kém chất lượng, không thu hút được người đến khám nên tự giải thể. Số lượng phòng khám có yếu tố nước ngoài ít nên việc quản lý về hồ sơ pháp lý, nhân sự, bằng cấp chuyên môn của thầy thuốc không phức tạp như các nơi khác.

Hiện tại, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ người nước ngoài dựa trên những giấy tờ liên quan đến bằng cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, những loại giấy tờ này không thể hiện được chất lượng khám, chữa bệnh của bác sĩ người nước ngoài. Một số bệnh nhân đã từng đến khám tại một phòng khám Đông y có thâm niên hơn chục năm ở thành phố cho biết, khi đến khám, họ chẳng hiểu bác sĩ người Trung Quốc nói gì, mà mọi trao đổi chỉ thông qua một người phụ nữ làm phiên dịch kiêm nhân viên ở quầy tiếp đón bệnh nhân. Thuốc do bác sĩ kê đơn được đóng gói trong một số bao ni-lon nhỏ, không có nhãn mác. Giá thuốc vô chừng nhưng thấp nhất cũng vài trăm nghìn đồng. Có bệnh nhân được kê đơn là viêm khớp cho chúng tôi xem lọ thuốc nhựa chứa chất lỏng dùng để xoa bóp, nhưng bên ngoài không hề dán nhãn mác, hướng dẫn sử dụng.

Theo quy định, các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài ở Đà Nẵng tự quyết về giá cả và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Ngoài ra, yêu cầu bắt buộc đối với các phòng khám này là phải niêm yết giá dịch vụ, giá thuốc công khai. Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn phân tích rằng, với phòng khám Đông y, khó có thể so sánh giá thuốc được bán tại đây với các phòng khám Đông y khác trên địa bàn thành phố do bác sĩ người Việt kê đơn. Nhiều người sau khi đến khám tại phòng khám AT cho rằng giá thuốc đắt. Nhưng thuốc Đông y được điều chế theo nhiều phương pháp, cách thức sao tẩm và bào chế khác nhau dẫn đến việc định giá thuốc cũng vô chừng. Không thể so sánh về giá thuốc giữa các phòng khám Đông y với nhau và cũng khó có cơ sở để so sánh giá đắt hay không, vì kiểu gì cũng có cách để lý giải cho câu chuyện đầu tư để bào chế thuốc tương ứng với giá tiền. Về phía Sở Y tế, năm 2011, Sở đã kiểm tra một số phòng khám Đông y có yếu tố nước ngoài. Qua đó, riêng phòng khám Đông y AT bị phạt hành chính về một số vi phạm liên quan đến thuốc như: chất lượng thuốc chưa bảo đảm, một số loại bị ẩm, mốc, mọt...

Ngoài những vấn đề liên quan đến chất lượng khám và về giá thuốc, theo bác sĩ Sơn, những hạn chế thường gặp ở một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài là cách thức quảng cáo dễ gây hiểu lầm cho người dân; chất lượng bác sĩ không khẳng định được trên thực tế mà chỉ qua bằng cấp. Theo tài liệu đề nghị cấp phiếu tiếp nhận quảng cáo do một phòng khám Đông y gửi lên Sở Y tế thành phố, có một số từ ngữ được sử dụng không hợp lý như: “y thuật cao siêu”, “y đức cao thượng”. Khi biên tập lại nội dung quảng cáo do doanh nghiệp gửi lên, Sở Y tế thành phố đã cắt bớt những từ ngữ dễ gây hiểu lầm, quảng cáo quá mức. Tuy nhiên, bác sĩ Sơn cho rằng, việc phân cấp xử lý giữa cơ quan quảng cáo và người xin quảng cáo chưa rõ ràng. Do vậy, nếu có quảng cáo sai sự thật thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm (?!). “Điều còn lại chỉ là ở phía người dân, không nên sính ngoại. Nhất thiết cần lựa chọn chỗ uy tín, chất lượng để bảo đảm sức khỏe cho mình”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.