Năm 2012, chỉ tiêu của thành phố là cân bằng tỷ số giới tính ở mức 110 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, đạt được chỉ tiêu này không dễ vì còn nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan tác động, khiến việc mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng.
Số bé gái sinh ra ở Đà Nẵng vẫn nhiều hơn bé trai và tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn có chiều hướng tăng. |
Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố cho biết, năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh ở Đà Nẵng là 109,7 bé trai/100 bé gái. Mặc dù đã tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng nhận thức của người dân về chuyện sinh con trai vẫn chưa cải thiện. Nhiều người vẫn còn tư tưởng mong muốn sinh con trai, dẫn đến số bé trai sinh ra luôn cao hơn bé gái. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tỷ số giới tính khi sinh là 106,7 bé trai/100 bé gái và xu hướng mất cân bằng giới tính tiếp tục gia tăng. Điều này xuất phát từ việc nhiều người dân hiện vẫn giữ quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường. Đây không những là nguyên nhân làm tăng dân số mà còn dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính liên tục trong nhiều năm.
Một trong những biện pháp để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là ngay từ đầu, giám sát các dịch vụ siêu âm trả lời giới tính thai nhi. Tuy nhiên, việc này gần như không hiệu quả, nhất là đối với dịch vụ siêu âm tư nhân. “Trong một buổi sáng, chúng tôi phối hợp với thanh tra Sở Y tế kiểm tra các cơ sở siêu âm tư nhân nhưng hầu như nơi nào chúng tôi đến cũng đóng cửa. Ở các cơ sở y tế công lập, việc kiểm tra dễ nhưng tại các dịch vụ siêu âm tư nhân thì việc kiểm tra rất khó khăn. Khi giám sát, trên giấy tờ, bác sĩ không ghi giới tính thai nhi nhưng việc trả lời miệng đối với các bà mẹ thì không kiểm soát được”, bà Nguyễn Thị Xuân nói.
Thực tế đúng như vậy. Tại các bệnh viện có khoa sản, khi siêu âm, bác sĩ không trả lời về giới tính thai nhi nhưng nếu muốn biết, các bà mẹ có thể tìm đến các dịch vụ khám và siêu âm về sản khoa tư nhân và gần như chắc chắn 100% sẽ có ngay đáp án. Điều này dễ dẫn đến hệ lụy là việc phá thai có lựa chọn khi biết giới tính trẻ không như mong muốn. Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), do việc phá thai thường không được ghi chép đầy đủ và không có thông tin về giới tính thai bị phá nên không thể xác định mức độ phá thai chọn lọc giới tính thực tế, mà chỉ có thể suy ra từ tỷ lệ bé trai vượt trội khi sinh. Vô tình sự hiện đại của nền y học giúp việc phá thai an toàn lại tiếp tay một cách gián tiếp cho việc lựa chọn giới tính khi sinh. Điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Để thay đổi nhận thức xem trọng việc sinh con trai hơn con gái, cùng với những hoạt động tuyên truyền về cân bằng giới tính đến cộng đồng, dự kiến trong những tháng còn lại của năm 2012, các Trung tâm DS-KHHGĐ ở thành phố sẽ tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu những tấm gương bé gái học giỏi, chăm ngoan. Thông điệp mà hoạt động này hướng đến là giúp các gia đình hiểu rằng, con gái nếu được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục tốt thì cũng sẽ giỏi giang, ngoan ngoãn và có tương lai tốt chứ không nhất thiết chỉ trông đợi điều đó ở con trai. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở xuất bản, kinh doanh các loại sách, báo, văn hóa phẩm trong việc thực hiện các quy định nghiêm cấm tuyên truyền phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi sẽ được tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, hoạt động này cũng khó kiểm soát bởi rất dễ dàng để tìm mua sách viết về chuyện sinh con theo ý muốn. Kể cả trong trường hợp không có sách báo thì với hệ thống Internet rộng mở như hiện nay, chẳng khó khăn gì để tìm hiểu thông tin. Và như vậy, xem ra muốn đạt được chỉ tiêu cân bằng giới tính không phải là chuyện dễ làm trước mắt mà cần phải có chiến lược lâu dài với nhiều biện pháp tổng hợp, trong đó quan trọng nhất vẫn là làm sao thay đổi tâm lý ưa thích con trai trong mỗi gia đình.
Bài và ảnh: HÀ AN