Theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC về việc ban hành mức cao nhất khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước, nhiều địa phương đã trình HĐND cấp tỉnh, thành phố để tăng viện phí. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, việc tăng viện phí sẽ được trình tại kỳ họp HĐND thành phố tháng 12-2012 và như vậy, mức tăng mới sẽ áp dụng từ đầu năm 2013.
Người dân đến khám tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: MỸ HẠNH |
Tính viện phí mới theo nhu cầu của người dân
Các bệnh viện công của Đà Nẵng hiện vẫn áp dụng mức giá cũ cho 447 dịch vụ y tế mà Bộ Y tế đề xuất tăng. Mức giá mới chỉ được tính sau khi HĐND thành phố thông qua bảng giá mới do Sở Y tế đề xuất vào tháng 12-2012. Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, Sở đã gửi khung giá mới lên Sở Tài chính để thẩm định, việc ban hành khung giá mới sẽ công bố và đưa vào thực hiện sau khi HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm nay. Theo ông Chiến, mức giá này được tính trên cơ sở khung giá cao nhất mà Bộ Y tế đề xuất tăng, nhưng đồng thời dựa trên mức sống và thu nhập thực tế của người dân thành phố, hướng đến mục đích chính của ngành y là cứu người. “Chúng tôi tính toán khung viện phí mới để làm sao phát triển được các dịch vụ y tế, phát triển chuyên môn của ngành và trên hết là đáp ứng yêu cầu của người dân, đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết”, ông Chiến nói.
Áp dụng viện phí mới sẽ tạo điều kiện để ngành y tế đầu tư thêm trong việc nâng cao chất lượng phục vụ và hệ thống trang thiết bị để khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế việc tăng chất lượng phục vụ cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến đâu, hiệu quả như thế nào thì còn thời gian dài nữa mới thẩm định được. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, khung viện phí mới sẽ tạo áp lực đối với việc chi trả của Bảo hiểm Xã hội (BHXH). Nhưng theo ông Chiến, dù ngành Bảo hiểm hay ngành Y tế thì đều là các cơ quan của Nhà nước. Vì vậy, sự bội chi của BHXH và việc tăng viện phí là một mâu thuẫn nhưng là mâu thuẫn đồng thuận, đều phục vụ lợi ích của người dân. Khi đã được HĐND thành phố thông qua thì BHXH cũng phải thực hiện.
Dân vẫn lo…
Chị Nguyễn Thị Hoa (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đến siêu âm khám phụ khoa tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng với mức giá dịch vụ siêu âm màu 4D là 80.000 đồng. Đây là mức giá được tính ở thời điểm hiện tại. Và theo khung giá cao nhất của Thông tư 04 thì siêu âm màu 4D sẽ tính với mức 370.000 đồng, cao gần gấp 5 lần so với mức cũ. “Tôi chưa biết khi nào tăng theo giá mới nhưng nếu tăng lên mấy trăm ngàn đồng thì cao quá, chưa kể đến khám còn phải làm thêm nhiều xét nghiệm khác nữa”, chị Hoa tâm sự.
Nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ tăng giá khá cao theo khung viện phí mới. Trong ảnh: Bệnh nhân chờ chụp phim tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Như vậy, nếu như tính kịch trần thì phần mà người bệnh phải trả là khá cao. Và trong trường hợp áp dụng khoảng 70% khung giá trở lên, không tăng tới mức cao nhất thì đối với nhiều người, đặc biệt là số nghèo, cận nghèo hoặc không có BHYT cũng sẽ là một áp lực rất lớn. Trong khi đó, ở một số tỉnh, thành phố đã áp dụng việc tăng viện phí thì các loại dịch vụ khám, chữa bệnh sử dụng nhiều lại được áp mức trần khá cao. Cho dù có BHYT thì việc chi trả từ 5 - 20% của người dân cũng sẽ là gánh nặng đối với nhiều người, nhất là các nhóm yếm thế như người nghèo, cận nghèo.
Trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc lùi áp dụng mức viện phí mới sang đầu năm 2013 tạm thời là giải pháp để bớt đi phần nào nỗi lo của nhiều người dân. Nhưng quan trọng hơn, mức viện phí sẽ áp dụng sau này cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong sự tương quan lợi ích của đại bộ phận nhân dân, làm sao để ngành Y tế có thêm nguồn lực tài chính nhằm đầu tư cho sự phát triển lâu dài, nhưng đồng thời vẫn tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế với mức giá phù hợp cũng như được khám, chữa bệnh với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Bài và ảnh: HÀ AN