Tại kỳ họp thứ ba vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. Điều 159 của Bộ luật quy định thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ là 6 tháng. Quy định này là cơ sở pháp lý bảo đảm cho chị em lao động có điều kiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau khi sinh, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như xu hướng chung của thế giới.
Khoa học đã chứng minh rằng việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú đến 24 tháng sau khi sinh đem lại nhiều lợi ích cho cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bà mẹ và gia đình: Trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ; đặc biệt còn được cung cấp chất kháng sinh để phòng, chống nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh truyền nhiễm. Khi cho trẻ bú mẹ, dòng sữa được tạo ra liên tục, đều đặn; người mẹ có cảm giác sảng khoái, hạnh phúc; tình cảm mẹ con thêm gắn bó. Cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ cũng là một cách tiết kiệm chi tiêu của gia đình vì không phải chi tiền mua sữa bột hay thức ăn thay thế sữa.
Các nghiên cứu khoa học cũng cho biết những trẻ không được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và thôi bú sớm có nguy cơ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì…, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của giống nòi.
Ở thành phố Đà Nẵng, cùng với những tiến bộ về kinh tế-xã hội và văn minh đô thị, những năm gần đây, nhận thức của chị em có con nhỏ và gia đình về nuôi con bằng sữa mẹ đã có nhiều thay đổi tích cực. Số trẻ sơ sinh được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ 6 tháng đầu sau khi sinh và tiếp tục bú sữa mẹ sau 12 tháng tuổi đạt tỷ lệ cao hơn trước. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm xuống mức 6%, trong khi tỷ lệ này của cả nước khoảng 17,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi còn 18,2% - vẫn ở mức cao so với quy định của Tổ chức Y tế thế giới.
Suy dinh dưỡng trẻ em nói chung và suy dinh dưỡng thể thấp còi nói riêng đều ảnh hưởng xấu đến phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong tương lai, làm giảm năng suất lao động, giảm khả năng phát triển trí tuệ, đồng thời làm tăng gánh nặng cho chi phí chăm sóc sức khỏe. Do tỷ lệ trẻ thấp còi còn cao, trong thời gian tới, theo tôi, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em ở thành phố Đà Nẵng cần tập trung vào việc phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, đặc biệt cần chú ý các giải pháp sau:
1- Tăng nguồn lực, nhất là tăng kinh phí đầu tư cho chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em.
2- Tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt quan tâm đến phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
3- Chú trọng công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau khi sinh.
4- Thực hiện bổ sung đa vi chất dinh dưỡng hoặc viên sắt cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
5- Bổ sung vitamin A, vi chất dinh dưỡng và thực hiện các chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ em.
Hưởng ứng Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (từ 1 đến 7-8) là một dịp để các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như mỗi bà mẹ, gia đình và xã hội tăng cường ý thức trách nhiệm với thế hệ trẻ - tương lai của đất nước và của mỗi gia đình, thực hiện tốt quy định của Bộ luật Lao động và đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình về nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với bà mẹ, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi.
KIM THÚY