(ĐNĐT) - Phát biểu tại lễ phát động phong trào toàn dân tham gia “Đánh gục virus viêm gan” do Hội Gan mật Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 17-8, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là ngành y tế, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống viêm gan virus.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi toàn dân chung tay “đánh gục” virus viêm gan |
Riêng Bộ Y tế cần chỉ đạo mở rộng tiêm chủng vắcxin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh; khuyến cáo người dân dưới 18 tuổi tiêm vắcxin viêm gan B để giảm tỷ lệ nhiễm virus và nguy cơ mắc bệnh xơ gan, ung thư gan; tăng cường trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật tiên tiến để đảm bảo đúng quy định về an toàn truyền máu và sản phẩm máu; tích cực phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con…
Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cần kiểm soát nguồn thực phẩm và độ an toàn của thực phẩm nhằm hạn chế mầm bệnh trong dân. Đối với người dân, cần phát huy tinh thần “tự cứu lấy mình”, tích cực phòng chống viêm gan, duy trì nếp sống lành mạnh, thường xuyên rèn luyện sức khỏe để chống lại căn bệnh nguy hiểm này.
Hiện nay, viêm gan virus là một trong những căn bệnh nguy hiểm, khó chữa trị, thời gian chữa trị kéo dài, tốn kém. Nghiên cứu khoa học cho thấy, virus viêm gan có thể gây bệnh cho mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, khả năng lây lan không có giới hạn, trong đó nguy hiểm nhất là virus viêm gan B, virus viêm gan C.
Trung bình mỗi năm trên thế giới có đến 2 tỷ người nhiễm virus viêm gan và gần 1 tỷ người tử vong vì mắc các bệnh do virus viêm gan gây ra. Ở Việt Nam, có hơn 20 triệu người bị lây nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C; 8 triệu người bị viêm gan mãn tính. Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ mắc virus viêm gan C cao thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỗi năm hơn 100.000 người dân Việt Nam chết do biến chứng viêm gan virus dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Hội gan mật Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm, để chữa trị, bệnh nhân viêm gan B phải chi 2,5 - 3,5 triệu đồng mỗi tháng và người mắc virus viêm gan C tốn khoảng 60 đến 20 triệu đồng mỗi năm. Ước tính, trong một năm, chi phí điều trị hai loại virus nói trên lên đến 660 tỷ đồng. Tuy nhiên, rất nhiều gia đình nghèo vì không có tiền chữa trị mà sống chung với căn bệnh này trong nhiều năm liền hoặc đối mặt với nguy cơ tử vong.
Trước tình hình này, ngày 28-7 hằng năm được chọn là ngày Phòng chống viêm gan virus trên toàn thế giới. Và ở Việt Nam, việc phát động phong trào toàn dân chung tay “đánh gục” virus viêm gan được xem là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm thu hút sự quan tâm của tất cả các cấp, ngành và cộng đồng xã hội trong việc phòng chống virus được xem là “kẻ giết người thầm lặng” này.
Tin và ảnh: M.Hạnh