Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố đã triển khai mô hình tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại 2 quận Liên Chiểu và Hải Châu với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, có hiệu quả rõ rệt nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho vị thành niên, thanh niên, các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố tổ chức tập huấn cho vị thành niên. |
Cần giáo dục viên đồng đẳng có kinh nghiệm
Quận Liên Chiểu có nhiều trường ĐH, CĐ, khu công nghiệp và tỷ lệ dân đang ở tuổi sinh đẻ cao. Vì vậy, việc triển khai mô hình giáo dục viên đồng đẳng dành cho vị thành niên, thanh niên về SKSS và mô hình tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân cho những người chuẩn bị kết hôn đã giúp các đối tượng này nâng cao kỹ năng sống, hiểu biết về pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình; đồng thời chuyển đổi nhận thức, hành vi về KHHGĐ, tăng cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; góp phần giảm tỷ lệ nạo phá thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là HIV/AIDS; tăng tỷ lệ các bà mẹ được phát hiện sớm các bệnh đường sinh sản; giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, từ đó nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng dân số.
Để mô hình tư vấn SKSS cho vị thành niên và thanh niên hoạt động có hiệu quả, Trung tâm DS-KHHGĐ quận Liên Chiểu đã tiến hành khảo sát thực trạng về kiến thức, thái độ, hành vi của vị thành niên và thanh niên chuẩn bị kết hôn về SKSS/KHHGĐ; thực trạng mạng lưới cung cấp thông tin tư vấn dịch vụ kỹ thuật SKSS/KHHGĐ, tổ chức quản lý theo dõi đối tượng chuẩn bị kết hôn tại các điểm triển khai mô hình, từ đó cử các đồng đẳng viên (là cán bộ dân số, cộng tác viên) tham gia mô hình này theo từng phường và tổ dân phố. Đa số giáo dục viên đồng đẳng đều có kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác đã tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn.
Theo ông Bùi Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Liên Chiểu, qua 3 năm thực hiện mô hình đã đạt được những thành tích đáng kể như nâng cao nhận thức của vị thành niên và thanh niên tại các khu công nghiệp, trường học và cộng đồng về CSSKSS, phòng chống bệnh nhiễm khuẩn sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn... Ngoài ra, để các buổi sinh hoạt thật sự hấp dẫn, các giáo dục viên đồng đẳng và Trung tâm DS-KHHGĐ của quận đã lồng ghép nội dung sinh hoạt với các hoạt động vui chơi giải trí như văn nghệ, hái hoa dân chủ, các trò chơi ghép chữ, đoán hình, thảo luận nhóm... Đó cũng là cơ hội để học sinh, sinh viên và cộng đồng giao lưu học hỏi, chia sẻ những kiến thức về DS-KHHGĐ/CSSKSS...
Tư vấn tiền hôn nhân lồng ghép trao giấy kết hôn
Song song với mô hình trên, các giáo dục viên còn tham gia mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Mô hình này được triển khai rộng tại 13 phường của quận Hải Châu từ năm 2010 đến nay nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành về CSSKSS/KHHGĐ thông qua tư vấn và khám sức khỏe cho vị thành niên và thanh niên, từng bước góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của vị thành niên, thanh niên.
Chị Nguyễn Thị Bích Hòa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hải Châu cho biết, từ năm 2010, Trung tâm đã tham mưu cho lãnh đạo UBND quận ban hành văn bản triển khai mô hình truyền thông SKSS/KHHGĐ/ LMAT lồng ghép việc trao giấy chứng nhận kết hôn vào chiều thứ 6 hằng tuần tại UBND quận. Mô hình này nhằm truyền thông, tư vấn và hướng dẫn cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn đi khám sức khỏe nhằm phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe khi mang thai, thực hiện SKSS/KHHGĐ, hiểu biết Luật Hôn nhân và gia đình..., qua đó góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi.
Qua 3 năm triển khai các mô hình trên, đã có hơn 10.000 học sinh, sinh viên và cộng đồng được cung cấp những thông tin về SKSS/KHHGĐ tại 2 quận. Kết quả này có được nhờ sự đồng thuận, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nhận thức, thái độ hành vi của một bộ phận các cặp vợ chồng, nam giới, vị thành niên, thanh niên về CSSKSS/KHHGĐ còn hạn chế, không đồng đều, thiếu bền vững theo đặc thù nhóm đối tượng, trình độ học vấn. Vì vậy, để nhân rộng các mô hình này và triển khai hiệu quả cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền và toàn xã hội.
Bài và ảnh: MINH PHÚC