.

Bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng

.

Tính đến đầu tháng 9, Đà Nẵng đã có gần 100 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tập trung nhiều nhất ở quận Hải Châu. Hiện tại, thành phố bắt đầu vào mùa mưa nên nguy cơ phát sinh muỗi cũng tăng cao.

Xô, chậu đọng nước cần được đổ ngay nếu không sẽ làm chỗ trú ngụ cho muỗi.
Xô, chậu đọng nước cần được đổ ngay nếu không sẽ làm chỗ trú ngụ cho muỗi.

Chỉ sau một cơn mưa, nhiều vật dụng mà người dân để ngoài trời có thể đọng nước như xô, chậu, bình hoa, lu, vại... Thế nhưng, không phải ai cũng để ý đến những vật dụng này đọng nước sẽ là cơ hội phát sinh lăng quăng, bọ gậy và làm nơi trú ngụ, nảy sinh muỗi. Khi đến kiểm tra tại một gia đình ở phường Hòa Cường Bắc, các nhân viên Trạm Y tế phường đã phát hiện một số xô, chậu để ngoài trời vẫn còn chứa nước sau cơn mưa đêm. Ngay sau đó, họ hướng dẫn và yêu cầu người dân đổ ngay những xô, chậu còn đọng nước và lật úp mặt xô, chậu xuống. “Chỉ cần đọng một ít nước lại là lăng quăng, bọ gậy phát sinh, trứng muỗi cũng sẽ có cơ hội nảy nở”, một nhân viên của Trạm Y tế phường Hòa Cường Bắc nói. Qua kiểm tra và tổ chức diệt bọ gậy tại một số khu vực dân cư, các nhân viên y tế phường khuyến cáo người dân thả cá vào những vật chứa nước để phòng lăng quăng, bọ gậy. Cách làm này tuy đơn giản nhưng lại rất hữu hiệu trong việc phòng tránh bệnh SXH.

Hiện tại, phường Hòa Cường Bắc đã có hơn 16 trường hợp mắc bệnh SXH, cao nhất trong toàn quận Hải Châu. Trong khi đó, quận Hải Châu cũng đứng đầu về số ca mắc bệnh trong toàn thành phố. Về nguyên nhân quận có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn so với các địa phương khác, bác sĩ Trần Minh Hồi, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Hải Châu cho biết: “Những ổ dịch cũ vẫn có nguy cơ phát sinh muỗi, trong khi đó thói quen trồng cây cảnh tại nhà của người dân cũng tạo môi trường cho ấu trùng muỗi nảy nở”. Ngoài ra, tại các phường Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam, Thuận Phước, nhiều khu đất trống vẫn còn nằm chen lẫn trong khu dân cư. Ở những khu đất này, cây cỏ mọc um tùm, không được phát quang, làm vệ sinh và do vậy, đây là nơi tập trung nhiều muỗi, dễ phát tán trong cộng đồng.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, khi phát hiện một ca bệnh SXH khá nặng, nhân viên y tế quận đã đến tận nhà kiểm tra vệ sinh quanh khu vực sinh sống. Mặc dù vệ sinh trong nhà bảo đảm nhưng bình hoa lại là nơi phát sinh ấu trùng muỗi mà người dân không hề lưu tâm. Theo bác sĩ Nguyễn Như Việt, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Ngũ Hành Sơn, các ổ dịch cũ trên địa bàn quận vẫn có nguy cơ gây bùng phát dịch SXH nên địa phương đang tập trung giám sát kỹ lưỡng. Ngoài ra, quận cũng sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền cách phòng tránh bệnh tại cộng đồng, trường học... Riêng ở quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, do đặc thù về điều kiện tự nhiên (ao tù, đồng ruộng, cây cối chen lẫn trong khu vực sinh sống...) nên số người mắc bệnh SXH cũng đang tăng dần (mỗi địa phương gần 15 trường hợp). Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết: “Điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay đang khiến dịch SXH gia tăng trên toàn thành phố. Các ổ dịch, bọ gậy, lăng quăng có cơ hội phát sinh”. Theo bác sĩ Thạnh, đến thời điểm này, mỗi khi xuất hiện một ca bệnh nào, Đội y tế dự phòng các quận, huyện đều tiến hành giám sát dịch tễ học, tìm nguồn phát sinh bệnh để xử lý bằng cách phun thuốc diệt muỗi, kiểm tra kỹ lưỡng môi trường sống và sinh hoạt. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách thức diệt bọ gậy, lăng quăng để phòng tránh bệnh.

Ngành Y tế thành phố khuyến cáo, bệnh SXH không lây trực tiếp từ người sang người mà qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi. Do đó, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, tránh muỗi đốt cho cả người bệnh và người khỏe mạnh như: ngủ mùng, dùng hóa chất diệt muỗi, hóa chất ngăn muỗi đốt, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng việc nuôi cá; dọn dẹp các nơi bùn lầy, nước đọng, nhất là các vật chứa nước cặn như chén bể, lon bia, vỏ xe, vỏ chai, lọ, bình hoa... Đà Nẵng đang vào mùa cao điểm bệnh SXH nên những cách làm này cần được thực hiện thường xuyên tại gia đình, trường học, công sở... để muỗi không có cơ hội phát sinh và truyền bệnh cho người.

Bài và ảnh: HÀ AN
 

;
.
.
.
.
.