Đầu tháng 10, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng chính thức hoạt động. Đây là bệnh viện đặc biệt vì sẽ chữa trị miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân nghèo bị ung thư.
Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng sẽ là nơi chữa trị miễn phí cho người nghèo ở miền Trung - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng, chủ đầu tư Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, cho biết:
- Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng có vốn đầu tư 1.300 tỉ đồng, được xây trên diện tích 15ha với quy mô 500 giường bệnh nội trú. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức phi chính phủ... Ngoài ra, còn nguồn vốn do TP trích một phần kinh phí từ nguồn thu xổ số kiến thiết. TP cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu cho bệnh viện bằng nguồn trái phiếu chính phủ.
Đến thời điểm này có thể khẳng định đây là bệnh viện chuyên về ung thư duy nhất của miền Trung. Bệnh viện ra đời nhằm giúp người dân miền Trung có thể tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư, điều trị bệnh để không phải tốn kém chi phí đi Hà Nội, TP.HCM hay ra nước ngoài chữa trị.
* Đối tượng nào được miễn phí điều trị tại bệnh viện, thưa bà?
"Cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên về làm việc tại bệnh viện được hỗ trợ thêm 100% lương cơ bản. Ngoài ra, bệnh viện còn xây dựng hai tòa nhà chín tầng để cán bộ, nhân viên ở và xây 11 căn biệt thự dành cho các chuyên gia đầu ngành về ung thư. Hội chúng tôi cũng mua 90 lô đất để bán lại với giá rẻ cho các chuyên gia nước ngoài muốn định cư lâu dài ở đây" Bà Nguyễn Thị Vân Lan |
- Bệnh viện tiếp nhận tất cả trường hợp đến khám và điều trị ung thư. Riêng đối với bệnh nhân nghèo (có sổ chứng nhận hộ nghèo của địa phương) ở miền Trung (trước mắt ưu tiên cho người dân ở Đà Nẵng và Quảng Nam) khi điều trị sẽ được miễn phí hoàn toàn. Sau khi trừ phần bảo hiểm y tế thanh toán, số tiền còn lại sẽ do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng chi trả.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng yêu cầu ngoài việc chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo, bệnh viện phải theo dõi sát sao gia cảnh của người bệnh. Nếu người bệnh có hoàn cảnh quá khó khăn, hội sẽ hỗ trợ về kinh tế, tặng kế sinh nhai để họ có cuộc sống ổn định hoặc đề xuất các cơ quan có trách nhiệm tìm cách hỗ trợ họ.
Bệnh nhân nghèo điều trị nội trú và cả thân nhân của họ đi nuôi bệnh còn được cung cấp thức ăn miễn phí hằng ngày từ bếp ăn từ thiện của bệnh viện. Hội đã làm việc với các lò mổ heo, bò, gà... trên địa bàn TP và các nơi này hưởng ứng nhiệt tình việc cung cấp thịt cho bếp ăn bệnh viện... Chúng tôi luôn ý thức rằng dinh dưỡng đầy đủ cũng là một cách chữa bệnh.
* Chi phí điều trị ung thư thường rất tốn kém, trong khi người dân miền Trung còn quá nghèo. Bệnh viện có chính sách gì giúp người dân nơi đây nhẹ gánh hơn?
- Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo ngoài việc miễn phí hoàn toàn đối với bệnh nhân nghèo, đối với bệnh nhân bình thường bệnh viện thu phí bằng hoặc thấp hơn các bệnh viện có chuyên khoa ung thư khác.
* Thu như vậy liệu có ảnh hưởng đến chất lượng khám, điều trị?
Cán bộ phải tầm soát ung thư 1 lần/năm Bà Vân Lan cho biết trong cuộc làm việc với Ban quản lý dự án Bệnh viện Ung thư, Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh ngày 5-9, ông Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo mỗi cán bộ của TP một năm phải đi tầm soát ung thư ít nhất một lần để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. |
- Chúng tôi khẳng định đây là bệnh viện nhân đạo dành cho người nghèo của Đà Nẵng và miền Trung. Để chuẩn bị cho bệnh viện này, chúng tôi đã trang bị các thiết bị máy móc tối tân, hiện đại như máy xạ trị, gia tốc thẳng (trị giá 86 tỉ đồng/máy), máy CT-scan đa lát cắt, máy MRI 3,0T, máy tăng sáng truyền hình, máy nội soi can thiệp, máy đếm tế bào tự động 40 thông số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động...
Còn nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định nhất nên ngay từ khi có quyết định xây dựng bệnh viện, chúng tôi đã tuyển dụng và đưa đi đào tạo 500 cán bộ, bác sĩ (có bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi) tại các trung tâm y khoa như Hà Nội, TP.HCM và ở nước ngoài. Ngoài ra, sẽ có nhiều chuyên gia ung thư của nước ngoài và khắp cả nước về đây làm việc, nghiên cứu...
* Thưa bà, với việc miễn phí điều trị bệnh nhân rồi hậu đãi cán bộ, bác sĩ, chuyên gia như vậy, bệnh viện sẽ lấy kinh phí từ đâu?
- Đúng là cũng có cái khó vì đây là bệnh viện ngoài công lập phải tự hạch toán trả lương cho công nhân, chuyên gia. Tuy nhiên, chủ trương của hội là phải hoạt động như vậy. Chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp nguồn quỹ cho bệnh viện. Mặt khác, bệnh viện có khám, điều trị dịch vụ theo yêu cầu để có thêm kinh phí hoạt động.
Tuổi Trẻ