.

Chăm sóc sức khỏe ở nông thôn - Bài 1: Thay đổi nhận thức

.

Đến năm 2012, hơn 70% người dân huyện Hòa Vang có bảo hiểm y tế. Song, điều đáng quan tâm là việc thay đổi nhận thức để làm sao người dân vùng nông thôn, miền núi chủ động tìm đến các cơ sở y tế khi gặp các vấn đề về sức khỏe.

Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.
Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.

Thay đổi hành vi

Ở các xã vùng nông thôn, miền núi của Hòa Vang, lâu nay người dân không có thói quen dự phòng bệnh. Nghĩa là chỉ khi nào có vấn đề về sức khỏe, họ mới đi khám bệnh; còn trước đó, họ ít quan tâm đến việc tự đi kiểm tra để phòng ngừa cũng như phát hiện bệnh sớm. Nếu người dân thành phố có thể chi tiền để khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm thì người dân nông thôn phải đắn đo nhiều mới dám tiêu tiền vào chuyện khám bệnh. Chị Trần Thị Liễu (thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc) nói rằng, chuyện đi khám tổng quát với người nhà chị dường như khá xa vời. “Chỉ khi nào thấy đau ốm trong người thì mới đến trạm y tế khám và xin thuốc, nếu đau nặng thì mới đến bệnh viện, chẳng khi nào tôi tự đi khám tổng quát”, chị Liễu chia sẻ.

Để dần thay đổi nhận thức của phần lớn người dân các xã vùng nông thôn, miền núi của huyện Hòa Vang về việc chủ động phòng, chống bệnh tật, ngành y tế huyện đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về sức khỏe để người dân hiểu và biết cách bảo vệ bản thân trước bệnh tật, nhất là những bệnh có nguy cơ lây truyền trong cộng đồng. Bác sĩ Phan Văn Hiệp, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Bắc cho biết: “Riêng đối với người dân tộc ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của họ về việc phòng, chống bệnh sốt rét. Vì vậy, đồng bào dân tộc ở đây biết cách phòng, tránh bệnh và nhiều năm qua không để xảy ra dịch sốt rét”.

Anh Nguyễn Ngọc Ba, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Châu cũng nhận định: Nhờ thường xuyên tuyên truyền đến từng hộ dân cùng với tác động của truyền thông đại chúng, người dân nông thôn dần thay đổi nhận thức và chủ động hơn trong việc tìm đến các cơ sở y tế để khám bệnh. “Riêng trong việc tiêm chủng, các bà mẹ đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chích ngừa, tiêm vaccine phòng bệnh cho con. Vì vậy, họ nắm lịch tiêm phòng rất kỹ và đưa con đến tiêm đúng hạn. Có việc gì thắc mắc về vấn đề sức khỏe, nhiều người cũng gọi đến trạm để được tư vấn”, anh Ba nói.

Cùng với sự đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân đến khám tại các trạm y tế xã đều tăng, thậm chí có lúc gây quá tải. Song, nhiều người dân vùng nông thôn vẫn chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh tật. Ít người tự chủ động phòng, chống bệnh mà chỉ khi nào bệnh xảy ra thì mới chú ý đến.

“Mưa dầm thấm lâu”

Từ đầu tháng 8 này, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã tổ chức các đợt truyền thông, khám bệnh cho người cao tuổi ở 11 xã. Hơn 11.000 hộ dân có người cao tuổi đã tham gia chương trình này. Tại các buổi khám bệnh, các bác sĩ của Trung tâm cũng nói chuyện chuyên đề liên quan đến các vấn đề về chăm sóc sức khỏe tuổi già, nhất là trong chuyện ăn uống tránh bệnh cao huyết áp, tiểu đường...”. Bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết: “Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong cộng đồng. Chúng tôi đã huy động bác sĩ của Trung tâm, tổ chức khám bệnh, lập hồ sơ và quản lý sức khỏe cho người cao tuổi ở tất cả các xã của huyện”.

Riêng trong công tác dự phòng, việc tuyên truyền được tổ chức thường xuyên đến tận khu dân cư, nhất là khi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Chị Lê Thị Bích Hoa, Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Phước cho biết: “Khi dịch tay - chân - miệng bùng phát, lúc cao điểm, chúng tôi tổ chức tuyên truyền qua hệ thống phát thanh mỗi ngày một đến 2 lần nhằm giúp người dân có thêm kiến thức về bệnh này. Ngoài ra, đối với dịch sốt xuất huyết, các tổ trưởng khu dân cư cũng kiêm luôn tổ trưởng phòng, chống dịch và phối hợp với y tế thôn tuyên truyền kiến thức phòng, chống bệnh đến các hộ dân”. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền miệng, qua hệ thống phát thanh, phát tờ rơi..., những kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe được phổ biến đến nhiều người dân vùng nông thôn, miền núi ở Hòa Vang. Ngoài ra, các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế đều triển khai hiệu quả trong cộng đồng dân cư. Theo thời gian, dần dần nhận thức của người dân cũng thay đổi. Hiện tại, hơn 70% người dân Hòa Vang đã có bảo hiểm y tế. Nhờ vậy, họ cũng chủ động hơn trong việc tìm đến các cơ sở y tế của huyện và thành phố để khám, chữa bệnh khi gặp các vấn đề về sức khỏe.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.