Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang hiện chỉ có 12 bác sĩ. Tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng kéo dài nhiều năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nơi đây.
Bác sĩ từ thành phố về khám sức khỏe cho người dân xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. |
“Châu, Phước, Tiến” vẫn ngóng bác sĩ
Sau khi chia tách, thành lập quận Cẩm Lệ, đội ngũ nhân viên y tế của huyện Hòa Vang thiếu hụt nghiêm trọng. 3 xã Hòa Châu, Hòa Phước và Hòa Tiến nhiều năm liền không có bác sĩ mà chỉ có bác sĩ tăng cường từ huyện về, làm việc mỗi tuần một ngày. Chị Lê Thị Bích Hoa, Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Phước cho biết: “Lúc trước, bác sĩ tăng cường về làm việc 2 ngày/tuần, nhưng nay chỉ còn 1 ngày, chủ yếu vào thứ ba hằng tuần. Thế nhưng, cũng có lúc bác sĩ bận việc, không có mặt đúng lịch. Hòa Phước là địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, dịch bệnh cũng thường xảy ra. Có bác sĩ thì tốt hơn vì đội ngũ nhân viên ở đây còn mỏng lắm”.
Hiện tại, Trạm Y tế xã Hòa Phước có 2 y tá, 2 y sĩ, 1 kỹ thuật viên, 1 nữ hộ sinh. Theo chị Hoa, số lượng nhân viên đủ nhưng chất lượng không bảo đảm. Người trẻ thiếu kinh nghiệm, nhân viên lớn tuổi không có khả năng tiếp cận với kiến thức mới. Vì vậy, việc phân công công việc phải hết sức cân nhắc mới có thể điều hành tốt hoạt động của trạm.
Trong khi đó, tại xã Hòa Châu, số lượng nhân viên y tế có 6 người. Anh Nguyễn Ngọc Ba, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Châu cho rằng, với dân số hơn 12.000 người như hiện nay thì số nhân viên như vậy chưa đủ. Trạm đang phải tự hợp đồng, trả lương cho một bác sĩ đông y để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh tại chỗ của người dân địa phương.
Việc tăng cường bác sĩ về 3 xã nói trên là giải pháp tình thế trong điều kiện nhân lực y tế của Hòa Vang vừa thiếu, vừa yếu. Bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho rằng, chủ trương tăng cường như vậy có hiệu quả rõ rệt. Số lượng bệnh nhân đến khám ở các trạm trên tăng lên đáng kể. Về chất lượng, cũng có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, các bác sĩ tăng cường sẽ “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn thêm cho các nhân viên ở trạm những kiến thức y tế cần thiết. Tuy nhiên, nhân viên các trạm nói trên đều cho rằng, thời gian bác sĩ lưu lại quá ít, không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế ở địa phương. Về vấn đề này, bác sĩ Thông nhấn mạnh: “Việc tăng cường bác sĩ nhưng thời gian không nhiều là điều phải chấp nhận trong tình trạng chúng tôi đang thiếu bác sĩ. Song, điều đó cũng đã đáp ứng được một phần yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân hiện nay”.
Cả huyện chờ bệnh viện
Bệnh viện đa khoa Hòa Vang là niềm hy vọng của nhiều người dân vùng này trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như góp phần giảm tải cho tuyến trên. Tuy nhiên, công trình đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, dù dự kiến đến đầu năm 2013 đưa vào vận hành giai đoạn 1. Theo bác sĩ Trần Công Thông, cần thêm 20 tỷ đồng thì giai đoạn 1 của Bệnh viện đa khoa Hòa Vang mới hoàn thành. Thế nhưng, vốn vẫn thiếu trầm trọng và nhiều khả năng kéo dài thời gian vận hành chính thức của giai đoạn 1. Theo kế hoạch hoạt động, trong giai đoạn đầu, Bệnh viện đa khoa Hòa Vang chỉ khám cấp cứu và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân. Với thực tế đó, một bệnh viện có quy mô 100 giường nội trú chỉ có thể thành hiện thực trong giai đoạn 2 vào năm 2014.
Bên cạnh sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho hoạt động của Bệnh viện đa khoa Hòa Vang cũng là bài toán nan giải. Theo bác sĩ Trần Công Thông, Trung tâm Y tế huyện hiện có 12 bác sĩ, nhưng một phần trong số đó cắm ở tuyến xã, số khác chỉ chuyên về hệ dự phòng, chưa có bác sĩ trực tiếp làm công tác điều trị. Trong khi đó, với quy mô 100 giường bệnh, Bệnh viện đa khoa Hòa Vang cần từ 35-40 bác sĩ chuyên khoa các loại. Giải pháp để giải quyết vấn đề này chỉ trông chờ vào chủ trương của Sở Y tế trong việc điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ y tế từ các quận lân cận cũng như từ thành phố về Hòa Vang. “Giải pháp này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Sở. Sau từ 2-3 năm, khi hoạt động của bệnh viện dần ổn định, chúng tôi nhận thêm người, cử đi đào tạo chuyên khoa sâu, thì lực lượng bác sĩ được điều động về có thể thay thế bằng lực lượng nhân lực mới, bảo đảm duy trì hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện”, bác sĩ Trần Công Thông nói.
Chung với tình trạng thiếu bác sĩ của cả thành phố Đà Nẵng, ngành y tế huyện Hòa Vang nói chung và Bệnh viện đa khoa Hòa Vang tương lai đang cố gắng xoay xở với một lực lượng y, bác sĩ quá mỏng. Trong khi đó, thực tế đáng buồn là không mấy bác sĩ ra trường muốn về tuyến y tế cơ sở dưới này. Tình trạng thiếu bác sĩ ở Hòa Vang chắc chắn sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH