Tính đến ngày 23-9, Đà Nẵng có 105 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Riêng tuần từ ngày 10 đến 16-9, số ca SXH có giảm nhẹ (giảm 12 ca so với tuần trước đó). Bác sĩ Dương Ấm Mậu, Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng chống bệnh, không nên chủ quan, nhất là khi điều kiện thời tiết hiện nay đang tạo nhiều thuận lợi cho muỗi sinh sôi.
Về thông tin muỗi Aedes Albopictus (còn gọi là muỗi hổ châu Á) vừa được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phát hiện tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), bác sĩ Mậu khẳng định, loại muỗi này và loại muỗi vẫn thường gặp là Aedes Aegypti có mức độ truyền bệnh như nhau. Loại muỗi này đã được phát hiện tại Đà Nẵng vào năm 2011 với vài cá thể nhỏ lẻ và không gây bệnh mới lạ, không nguy hiểm hơn so với lại muỗi thường gặp. Điều quan trọng nhất là người dân cần tăng cường các biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng, phát quang bụi rậm, loại bỏ các vật chứa nước đọng, không cho muỗi có điều kiện đẻ trứng.
Đối với dịch tay - chân - miệng (TCM), theo bác sĩ Mậu, tháng 9 đến tháng 11 là đỉnh dịch thứ 2 trong năm, nên người dân cần cẩn trọng trong việc chăm sóc trẻ. Hiện nay, việc phòng, chống dịch TCM tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân vì bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị. Riêng tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, trung bình mỗi ngày, Phòng tư vấn về TCM đã tư vấn cho 20-30 người nhà bệnh nhân mắc bệnh TCM độ nhẹ hoặc có nhu cầu tìm hiểu về bệnh TCM. “Việc tư vấn trực tiếp tại phòng khám vẫn hiệu quả hơn. Vì qua đó, người nhà bệnh nhân được hướng dẫn, tư vấn cụ thể cách chăm sóc trẻ, nắm rõ biểu hiện của bệnh và cách phát hiện những chuyển biến của bệnh đối với những trẻ mắc TCM độ nhẹ, được phép về nhà chăm sóc”, bác sĩ Mậu cho biết.
Hiện phòng tư vấn TCM hoạt động tất cả các ngày trong tuần với 3 bác sĩ đến từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng).
M.HẠNH