.

“Phòng amip ăn não người bằng cách bảo vệ mũi”

.

Vừa qua, có một trường hợp bệnh nhân bị tử vong do amip ăn não người khiến dư luận băn khoăn, lo lắng.

Người dân khi lội xuống ao hồ, để phòng bệnh amip ăn não người thì cần hạn chế không cho nước vào mũi. (Nguồn: TTXVN)
Người dân khi lội xuống ao hồ, để phòng bệnh amip ăn não người thì cần hạn chế không cho nước vào mũi. (Nguồn: TTXVN)

Để hiểu rõ hơn về vấn đề mức độ nguy hiểm của loại amip này cũng như cách thức dự phòng, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về vấn đề này.

Gần đây, nhiều người dân hết sức bàng hoàng về loại amip ăn não gây tử vong rất nhanh chóng như một trường hợp một bệnh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Xin ông cho biết cơ chế xuất hiện amip gây bệnh viêm não này?

Ông Nguyễn Văn Bình: Bệnh viêm não bùng phát là do đơn bào Naegleria fowleri (còn được gọi là amip ăn não) gây ra. Đây là một bệnh rất hiếm gặp, nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao.

Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1961. Trong vòng 49 năm (1962-2011), Hoa Kỳ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm, với số mắc trung bình từ 0 đến 8 trường hợp trong một năm. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp viêm màng não do Naegleria fowleri.

Tác nhân amip gây viêm não này người ta thấy ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đất, nước, đặc biệt là ở trong môi trường nước ngọt, nhất là tại những nơi mực nước nông như hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo... Tác nhân này thường thấy ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Đơn bào Naegleria fowleri phát triển tốt nhất trong môi trường nhiệt độ 46 độ C . Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thấy sự phát triển của loại amip này ở nhiệt độ thấp hơn hoặc cao hơn.

Tác nhân gây bệnh này xâm nhập vào người qua niêm mạc mũi và sau đó nó di chuyển lên não và gây ra tình trạng viêm não.

Ông có thể cho biết mức độ nguy hại của amip này đối với sức khỏe của người dân và cộng đồng, nhất là nguy cơ lây nhiễm tại các bể bơi và sông hồ?

Ông Nguyễn Văn Bình: Tác nhân này người ta thấy rất phổ biến trong các môi trường đất, nước. Một điểm đáng lưu ý là bệnh này không lây qua đường hô hấp, mức độ lây từ người này qua người khác là rất thấp.

Cụ thể, người ta tính các bang ở Nam Mỹ hàng năm có tới hàng trăm triệu lượt người phải tắm ngụp và tiếp xúc trong môi trường nước nhưng hàng năm họ cũng chỉ ghi nhận một vài trường hợp tử vong. Song những trường hợp khi bị mắc bệnh thì hiện nay thuốc điều trị chưa thật hiệu quả nên tỷ lệ tử vong rất cao.

Tuy nhiên ở các hồ bơi và sông hiện nay tôi cho rằng không phải là nguy cơ cao lắm. Hiện nay, chúng ta đã có những quy định rất cụ thể về quy trình xử lý nước các bể bơi. Vì vậy, tại các bể bơi hay nơi tắm nước suối nóng khi đã thực hiện đúng quy trình xử lý nước cũng như hóa chất để khử khuẩn theo hướng dẫn sẽ hạn chế được các tác nhân gây bệnh.

Trước sự lo lắng và quan tâm của cộng đồng về loại amip tấn công não người gây tử vong nhanh chóng. Bộ Y tế có khuyến cáo như thế nào để cộng đồng yên tâm?

Ông Nguyễn Văn Bình: Như chúng ta đã biết, hiện nay tại Việt Nam, những nguy cơ, tác nhân liên quan đến nước rất phổ biến chẳng hạn như tình trạng đuối nước ở trẻ em. Mỗi năm chúng ta có hàng ngàn trẻ em bị chết do đuối nước mỗi năm. Nên các cảnh báo với cộng đồng, nhất là đối với trẻ em bị đuối nước rất cần phải quan tâm.

Như chúng ta đã biết tỷ lệ lây nhiễm amip này sang người rất là thấp. Vì vậy, để phòng bệnh, mỗi người dân phải biết cách để tự bảo vệ cho bản thân mình.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao.

Đặc biệt, trong khi tắm ở bơi bể bơi, hồ, ao, suối người dân cần hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi.

Trong trường hợp người phải ngụp lặn xuống nước sau đó phải sử dụng nước sát khuẩn để vệ sinh mũi.

Người dân khi phát hiện có các triệu chứng như đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xin cảm ơn ông!

Vietnam+
 

;
.
.
.
.
.