.

“Bác sĩ” học trò

.

Tự biết ứng phó một số tình huống bất ngờ như chảy máu, choáng, gãy xương; hay sẵn sàng giúp đỡ người bên cạnh khi họ gặp các sự cố tương tự, đó là những kỹ năng cần thiết mà học sinh trên địa bàn thành phố đang được trang bị.

Học sinh tập băng bó vết thương chảy máu.
Học sinh tập băng bó vết thương chảy máu.

Chưa chi đè ra hô hấp!

Vừa qua, học sinh 16 trường THPT của thành phố Đà Nẵng đã có dịp trổ tài làm bác sĩ sơ cứu người bị nạn. Chương trình thuộc kế hoạch thực hiện mục tiêu hướng dẫn sơ cấp cứu cho 7% dân số Đà Nẵng của Hội Chữ thập đỏ thành phố. Yêu cầu đặt ra cho các thầy thuốc nhí cũng khá hóc búa. Dù là cuộc thi nhỏ, nhưng người tham gia phải vững các thao tác cơ bản bảo đảm vệ sinh, đúng cách và không được quên yếu tố thẩm mỹ trong băng bó.

Nhiều kiến thức liên quan đến sơ cấp cứu đã được các “bác sĩ” trình bày răm rắp. Với các câu hỏi dạng như: Việc đầu tiên phải xử trí khi có người bị say nắng, bất tỉnh, tắt đường thở, những vật dụng nào có thể tạm thời được dùng như phao cứu hộ... được học sinh nhanh chóng trả lời chính xác. Nhưng ở những tình huống tưởng dễ, các “bác sĩ” lại tỏ ra “uyên bác” ngược đời. Chẳng hạn như, với câu hỏi: Bạn sẽ làm gì khi bị chảy máu mũi? Hầu hết học sinh đều cho rằng phải ngẩng đầu lên trời cho máu chảy ngược vào trong. Thực tế, gặp tình huống này, bạn phải bóp mũi lại và cúi đầu xuống thấp, thở bằng miệng trong 10 phút. Rồi với câu hỏi: Bạn sẽ làm gì khi có người bị điện giật? Nhiều bạn cho rằng cần ngắt nguồn điện, nhưng không ít bạn bảo: Hô hấp trước tiên (!?).

Cái kiểu chưa chi đè ra hô hấp không hiếm gặp trong cách sơ cấp cứu của học trò. Bởi lẽ, nhiều em chỉ nghĩ đơn giản, cách cứu người nhanh nhất là hô hấp cho họ thở lại bình thường. Thực tế ở mỗi tai nạn, mỗi tình huống lại đòi hỏi một sự nhận định và giải quyết khác nhau.

Cần hơn nữa việc hướng dẫn sơ cấp cứu

Học sinh nắm bắt khá nhanh bài tập sơ cấp cứu. Chỉ khoảng 4 buổi, các em có thể thực hiện băng bó chỗ chảy máu, nẹp chân, tay bị gãy một cách thành thục. Những kỹ năng này đã giúp ích cho nhiều em không chỉ trong phạm vi trường học. Nguyễn Thanh Quân (lớp 12/2 Trường THPT Nguyễn Trãi) cho hay: “Ở nhà, em cầm máu giúp mọi người là chuyện thường”. Trong khi đó, cô Võ Thị Hồng Thắm, cán bộ y tế Trường THPT Ngô Quyền khá tự hào về các học sinh của mình: “Trong sinh hoạt hằng ngày, gặp bạn bị nạn nhẹ như trầy xướt do té ngã, nhiều em đã giúp được”.

Qua chương trình Giáo dục quốc phòng và một số buổi ngoại khóa, học sinh đã được rèn luyện cách sơ cấp cứu trong vài tình huống thường gặp. Tuy nhiên, cơ hội để các em rèn luyện và tiếp cận nhiều hơn các phương pháp sơ cấp cứu còn ít ỏi. Thế nên, những lỗ hổng trong kiến thức mà các em bộc lộ trong cuộc thi vừa qua đã thêm một lần cho thấy việc hướng dẫn sơ cấp cứu như hiện nay vẫn chưa đủ. Tai nạn thương tích trong trường học và các tai nạn thường gặp ở học sinh diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Hiểu biết về sơ cấp cứu có thể giúp cứu sống các em trong khoảnh khắc. Do đó, nên chăng khi nhắc tới rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, các trường xem bài học sơ cấp cứu là một phần không thể thiếu?

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.