.
BẢO HIỂM Y TẾ

“Bùa hộ mệnh” của người nghèo

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, bà Trần Thị Hoa Lý (ảnh), Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố, cho biết khi tăng viện phí, phần lớn chi phí khám, chữa bệnh (KCB) đều tăng, nếu không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của người dân.

* Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, nhất là đối với người dân nghèo khi viện phí tăng?

- Có thể khẳng định rằng, người tham gia BHYT có nhiều quyền lợi trong KCB. Đặc biệt, trong thời gian tới, HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua giá viện phí theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT/BYT-BTC ngày 29-2-2012 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Theo Thông tư này, có 447 dịch vụ kỹ thuật thay thế khung giá một phần viện phí ban hành kèm theo Thông tư số 14/TTLB ngày 30-9-1995. Cụ thể, tiền lần khám bệnh đối với bệnh viện hạng 3 từ 3.000 đồng tăng lên 20.000 đồng; bệnh viện hạng 2 từ 3.000 đồng tăng lên 15.000 đồng; bệnh viện hạng 3 từ 2.000 đồng tăng lên 10.000 đồng; tuyến y tế xã, phường từ 1.000 đồng tăng lên 5.000 đồng. Bên cạnh đó, tiền giường bệnh cũng tăng. Ngày điều trị hồi sức cấp cứu bệnh viện hạng 1 từ 18.000 đồng tăng lên 150.000 đồng; bệnh viện hạng 2 từ 12.000 đồng tăng lên 100.000 đồng… Với giá viện phí tăng, nếu người dân không tham gia BHYT sẽ gặp khó khăn về tài chính trong KCB.

* Vậy tham gia BHYT là nghĩa vụ và quyền lợi của chính bản thân mình?

- Đúng vậy! Đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo, nếu không tham gia BHYT sẽ khó có đủ tiền để chi trả trong KCB. Do đó, mỗi người dân nên tham gia mua thẻ BHYT. Khi chưa ốm đau, mình giúp đỡ người ốm đau trước; khi mình ốm đau, cộng đồng tham gia BHYT lại giúp đỡ mình. Tôi đơn cử một vài trường hợp sau:

Nhóm tham gia BHYT nhân dân: Bệnh nhân Mai Mạnh Hùng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) điều trị với tổng chi phí 128 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả 103 triệu đồng, bệnh nhân tự trả 25 triệu đồng; bệnh nhân Nguyễn Đình Phương Đông (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) điều trị bệnh với tổng chi phí 159 triệu đồng, BHYT chi trả 127 triệu đồng, bệnh nhân tự trả 32 triệu đồng.

Nhóm tham gia BHYT học sinh: Em Lê Tự Thị Phúc Yên (Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ) điều trị bệnh với tổng chi phí  261 triệu đồng, BHYT chi trả 209 triệu đồng, bệnh nhân tự trả 52 triệu đồng; bệnh nhân Đinh Hưng Vệ (Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng) điều trị với tổng chi phí 56 triệu đồng, BHYT chi trả 45 triệu đồng, bệnh nhân tự chi trả 11 triệu triệu đồng.

* Vậy muốn được hưởng chế độ BHYT, người bệnh có tham gia BHYT phải làm gì?

 - Trước hết khi vào KCB phải xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng cùng giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ và KCB đúng nơi cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (có ghi nơi đăng ký KCB trên thẻ BHYT). Trường hợp cấp cứu thì được vào cấp cứu bất kỳ cơ sở KCB nào thuận lợi nhất. Ngoài ra, đối tượng tham gia BHYT còn được quyền lựa chọn nơi KCB trái tuyến (không phải nơi KCB ban đầu) có trình thẻ BHYT và được hưởng như sau: KCB tại bệnh viện hạng 3, người bệnh được hưởng bảo hiểm y tế 70%, tự chi trả 30%; KCB tại bệnh viện hạng 2, được hưởng 50% và tự chi trả 50%; KCB tại bệnh viện hạng 1, được hưởng 30%, tự chi trả 70%.

* Để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2012, thành phố Đà Nẵng đạt 91% người dân tham gia BHYT, ngành BHXH cùng các cấp thời gian qua đã làm như thế  nào?

- Nhận thức được tầm quan trọng của BHYT đối với người dân, sau khi Thành ủy có Nghị quyết 02, HĐND thành phố ra Nghị quyết 23, đề ra chỉ tiêu đến hết năm 2012 thành phố Đà Nẵng có 91% người dân tham gia BHYT, UBND thành phố đã có kế hoạch triển khai chỉ đạo cụ thể ngành BHXH cũng như các ngành, các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT. Đến cuối tháng 9-2012, đã có gần 80% người dân Đà Nẵng tham gia BHYT.

Từ nay đến cuối năm 2012, UBND thành phố chuẩn bị thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động trốn đóng BHXH, BHYT. Sở GD-ĐT, ĐH Đà Nẵng cũng đã triển khai tích cực và có hiệu quả việc tham gia BHYT. Sở LĐ-TB&XH đang rà soát hộ nghèo báo cáo UBND thành phố mua và cấp thẻ BHYT; đối tượng cận nghèo được Nhà nước hỗ trở 70% phí mua BHYT. Các quận, huyện cũng đã đôn đốc xã, phường tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BHYT.

Tôi xin nói thêm, vừa qua, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh trong buổi làm việc tại BHXH thành phố Đà Nẵng đã lưu  ý đến tầm quan trọng của việc vận động nhân dân mua BHYT. Đồng chí nhấn mạnh: Các cấp, các ngành cần phải có trách nhiệm đối với toàn dân. Bởi lẽ, mỗi khi đau ốm, bệnh tật mà không có BHYT thì làm sao xoay xở. Vì vậy, phải tuyên truyền rộng rãi, để người dân hiểu tham gia BHYT. Lời nói của đồng chí làm cho ngành BHXH càng phải có quyết tâm phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện đúng như chủ trương của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cũng như mong muốn của đồng chí Bí thư Thành ủy là làm sao để cho người dân được hưởng những quyền lợi chính đáng.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

NGỌC PHÚ thực hiện

;
.
.
.
.
.