Việc trẻ bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị...) xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó ngoài môi trường học tập tại trường thì thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng mắt của trẻ.
Các trường từ mầm non đến phổ thông cần bố trí phòng học đủ điều kiện ánh sáng để hạn chế tình trạng mắc các bệnh về mắt ở trẻ. |
Theo khảo sát năm 2011 tại một số trường học trên toàn thành phố, có hơn 13.000 học sinh mắc bệnh cận thị, tương đương 10,7% tổng số học sinh tham gia khám sức khỏe định kỳ.
Điều kiện ánh sáng chưa tốt
Một trong những yếu tố có thể làm thay đổi thị lực của trẻ, gây ra tật khúc xạ là điều kiện ánh sáng tại các trường học. Theo quy định, phòng học cần bảo đảm độ chiếu sáng đồng đều không dưới 100 lux (đơn vị dẫn xuất được tính cho công suất ánh sáng chiếu trên một diện tích 1m2). Riêng phòng học dành cho học sinh khiếm thị thì độ chiếu sáng không dưới 300 lux. Hiện nay, đối với các trường phổ thông, điều kiện ánh sáng đạt chuẩn khi phòng học được lắp đặt 6-8 bóng đèn neon dài 1,2m. Các bóng đèn treo ở độ cao cách mặt bàn học 2,8m.
Tuy nhiên, theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Minh Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, mặc dù nhiều trường đã trang bị đủ bóng đèn và cải thiện điều kiện ánh sáng tại các lớp học nhưng vẫn còn trường chưa đạt tiêu chuẩn về ánh sáng. “Phòng học thiếu nguồn sáng tự nhiên, các bóng đèn không bảo đảm chất lượng, vệ sinh kém hoặc bố trí bóng đèn chưa hợp lý là nguyên nhân khiến nhiều trường không đủ điều kiện ánh sáng cho học sinh”, bà Thi lý giải.
Tại Trường tiểu học Phù Đổng, một trong những trường “điểm” của thành phố, một số phòng học ở trường ít tận dụng được ánh sáng mặt trời, có phòng lại cạnh nhà dân nên hơi tối, độ rọi sáng chỉ đạt 70 - 90 lux. Trong khi đó, hệ thống chiếu sáng thường mà trường tự thiết kế hoặc sử dụng lại hệ thống cũ nên hầu hết đạt hiệu suất không cao do lắp đặt và bố trí chưa hợp lý. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã tiến hành lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện, phòng chống bệnh cận thị ở 39 phòng học. Hệ thống đèn này có độ chỉ thị màu gần với ánh sáng ban ngày và chu kỳ nhấp nháy cao nên mắt không cảm nhận được, nên chống mỏi mắt, hạn chế thấp nhất nguy cơ gây cận thị ở học sinh. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có điều kiện để đầu tư trang bị hệ thống điện bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Kết quả kiểm tra về điều kiện ánh sáng tại các trường THPT ở thành phố năm 2011 cho thấy, có 74% trường đạt tiêu chuẩn về điều kiện ánh sáng. Như vậy, vẫn còn 26% trường chưa đạt chuẩn. Trong khi đó, đối với khối mầm non, tiểu học, THCS, do phân cấp quản lý về tuyến quận, huyện nhưng ở các địa phương hầu như không có máy đo ánh sáng nên không thống kê được số liệu cụ thể.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, học tập trong tình trạng thiếu ánh sáng sẽ khiến thủy tinh thể mất dần khả năng đàn hồi, luôn ở trạng thái phồng nhiều, độ hội tụ lớn, ảnh của vật ở trước màng lưới nên nhìn không rõ, muốn nhìn rõ phải đưa mắt gần tới vật hơn so với người bình thường. Vì vậy, thiếu ánh sáng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh cận thị ở học sinh. Và muốn khắc phục tình trạng này, cách hiệu quả nhất là cải thiện hệ thống chiếu sáng tại các phòng học. Ngoài ra, việc bố trí chiều cao của bàn, ghế phù hợp với chiều cao học sinh, giữ đúng khoảng cách giữa bàn với bảng viết cũng là cách để hạn chế tình trạng cận thị ở trẻ.
Những thói quen xấu
Loại bỏ yếu tố di truyền gây ra tật khúc xạ ở mắt, có nhiều thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ cũng dẫn đến căn bệnh này. Không ít các bậc phụ huynh có con bị cận thị mới chú ý cặn kẽ cách thức sinh hoạt, học tập của con. Trước đó, nhiều trẻ dù chỉ mới bước vào bậc tiểu học, thậm chí ở tuổi mầm non, cũng được cha mẹ cho phép xem ti-vi nhiều giờ liền hoặc chơi trò chơi điện tử trên máy vi tính, điện thoại di động... Chính những hoạt động này là nguy cơ dẫn đến tật khúc xạ ở mắt, mà phần lớn là bệnh cận thị. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay, một số loại sách, truyện dành cho tuổi thiếu nhi được in với cỡ chữ nhỏ, khiến trẻ phải điều tiết mắt nhiều khi đọc và khả năng cận thị nhiều khi không tránh khỏi.
Những khuyến cáo liên quan đến việc bảo vệ mắt của trẻ khỏi tật khúc xạ, nhất là cận thị đã được phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông, sách, báo. Thế nhưng, sự chủ quan của nhiều bậc phụ huynh trong việc chăm sóc trẻ cũng dẫn đến nhiều nguy cơ trẻ mắc bệnh này. Thói quen đọc sách quá lâu, xem ti-vi nhiều có thể được loại bỏ nếu các bậc cha mẹ chịu khó quan sát và hướng dẫn con em mình cách sinh hoạt, học tập đúng, nhất là việc giữ gìn vệ sinh cá nhân. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ biết cách chăm sóc và dạy con cách bảo vệ mắt đúng cách, bố trí hợp lý thời gian học tập và nghỉ ngơi thì những nguy cơ dẫn đến tật khúc xạ sẽ được hạn chế. Tương lai các em sẽ không vì những bệnh về mắt mà ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt.
Bài và ảnh: HÀ AN