.

Đà Nẵng hiện có 477 ca nhiễm HIV

Số ca nhiễm HIV còn sống ở Đà Nẵng hiện nay là 477 ca, trong đó 186 ca đã chuyển sang AIDS và 126 trường hợp đang điều trị bằng thuốc ARV. Như vậy, tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên phát hiện vào năm 1993 đến tháng 8-2012, Đà Nẵng đã có 845 ca nhiễm HIV, trong đó 555 ca chuyển sang giai đoạn AIDS. Số bệnh nhân AIDS là người Đà Nẵng đang điều trị ARV là 126 trường hợp.

Những số liệu trên được bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng đưa ra tại Hội nghị triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức vào ngày 8-10.

Điều đáng nói, ngoài bệnh nhân nhiễm HIV là người Đà Nẵng, đã phát hiện hơn 40% ca nhiễm bệnh là người ngoại tỉnh. Và hiện 7/7 quận, huyện và 56/56 xã, phường đều có người nhiễm HIV. Các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu là những nơi có số ca nhiễm HIV cao nhất trong toàn thành phố. Theo thống kê của ngành Y tế, nhóm người trẻ tuổi (từ 20-29 tuổi) chiếm đến 70% ca nhiễm HIV. Đồng thời, nguyên nhân lây nhiễm chính đối với các trường hợp phát hiện ở Đà Nẵng chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn và tập trung ở nhóm người nghiện chích ma túy. Ngoài ra, số người nhiễm HIV mới, phát hiện từ nhóm quan hệ tình dục đồng giới cũng gia tăng.

Để hạn chế số ca lây nhiễm HIV/AIDS ở Đà Nẵng và triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc, lần này, Liên đoàn Lao động thành phố đã mời đại diện 50 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến và tuyên truyền về những lợi ích của việc phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, nhất là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp ở Đà Nẵng. Những nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống HIV/AIDS cùng hệ thống văn bản liên quan đã được truyền đạt đến các doanh nghiệp. Qua đó, giúp họ nhận thức những tác động tiêu cực của đại dịch này đối với sự phát triển của doanh nghiệp và lựa chọn những hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về phòng, chống HIV/AIDS.

M.HẠNH
 

;
.
.
.
.
.