Con số này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Dự án “Xây dựng mô hình môi trường không thuốc lá tại thành phố Đà Nẵng” do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố phối hợp cùng Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (VINACOSH) - Bộ Y tế tổ chức tại Đà Nẵng ngày 16-10.
Thống kê năm 2010 cho thấy, ở Đà Nẵng, trong số những người hút thuốc thì trên 68% hút ngay tại gia đình, số còn lại hút thuốc nơi công cộng, tại công sở, bệnh viện, trường học… Thực trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho những người hút thuốc lá thụ động, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Để giảm thiểu số người hút thuốc và những tác hại mà thuốc lá gây ra cho cộng đồng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Đà Nẵng - đơn vị đầu mối phối hợp triển khai dự án đã xây dựng thành công các mô hình kiểu mẫu về môi trường không khói thuốc tại 150 đơn vị, trong đó có 82 cơ quan hành chính, 30 trường học và 38 cơ sở y tế. Các hoạt động của dự án tập trung vào việc tập huấn cho cán bộ chủ chốt của các cơ sở tham gia dự án; truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá. Đồng thời, theo dõi, giám sát việc thực hiện các cam kết không hút thuốc; lắp đặt biển cấm hút thuốc và phân phối các phương tiện truyền thông tại các cơ sở xây dựng môi trường không khói thuốc. Riêng khối giáo dục, đã tổ chức các hoạt động “Sáng kiến thanh niên phòng chống tác hại thuốc lá”.
Được biết, dự án nói trên triển khai tại Đà Nẵng và tỉnh Thái Nguyên, Tiền Giang từ tháng 5-2010. Sau 3 năm thực hiện, thành công trong việc giảm số người hút thuốc lá tại các môi trường công sở, trường học, bệnh viện là căn cứ quan trọng góp phần thúc đẩy việc Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013.
M.HẠNH