Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh tại các trường học khá quan trọng. Thế nhưng hiện nay, điều đáng lo ngại là ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố, vẫn còn nhiều cán bộ làm công tác văn thư, bảo vệ... kiêm nhiệm y tế học đường.
Học sinh Trường tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu kiểm tra răng miệng. (Ảnh chỉ có tính minh họa) |
Bảo vệ kiêm công tác y tế
Những năm qua, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) không có cán bộ chuyên trách làm công tác y tế học đường, nhưng có một tủ thuốc y tế phòng lúc xảy ra tình trạng học sinh bị tai nạn hoặc ốm đau đột ngột. Để có người theo dõi, thực hiện sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh, Ban giám hiệu cắt cử nhân viên bảo vệ phụ trách công tác này. Ông Lê Quý Dương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Viết Xuân cho hay, trước thực trạng nhà trường thiếu phòng y tế, thiếu cán bộ chuyên trách mảng y tế học đường, những năm qua, nhà trường đã đề nghị cấp trên đầu tư phòng y tế, bố trí nhân viên nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vì thế, nếu học sinh bị tai nạn hay ốm đau tại trường thì chuyển đến cấp cứu tại Trạm y tế xã ở gần đó.
Năm học 2012-2013, Trường THCS Nguyễn Bá Phát (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) có 800 học sinh, nhưng vắng bóng cán bộ chuyên trách y tế học đường. Tủ thuốc y tế của nhà trường được đặt tại phòng làm việc của cán bộ văn thư. Còn phụ trách y tế được Ban giám hiệu giao cho bảo vệ nhà trường đảm nhiệm. Khi được hỏi nhân viên bảo vệ có được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về y tế không, Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hân cho biết, do không có cán bộ y tế chuyên trách, nhân viên bảo vệ chỉ tạm thời được giao nhiệm vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh mặc dù chưa được bồi dưỡng kiến thức về y tế. Ban giám hiệu cũng đã tính rằng, Trạm Y tế xã Hòa Liên gần đó, nếu trường hợp học sinh gặp tai nạn hoặc ốm đau thì chuyển đến cấp cứu (!!).
Theo ghi nhận của chúng tôi, thực trạng đáng lo ngại là hiện nay việc bảo vệ, văn thư... trường học kiêm luôn mảng y tế học đường cũng xảy ra ở một số trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh vẫn chưa được bảo đảm tốt.
Cần quan tâm hơn hoạt động y tế học đường
Thống kê của Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 27-9, trên địa bàn thành phố có 24/136 trường mầm non; 90/103 trường tiểu học; 38/57 trường THCS và 19/20 trường THPT có phòng y tế. Còn số lượng cán bộ chuyên trách ở các trường vẫn chưa đủ. Cụ thể, 21/133 trường mầm non; 80/103 trường tiểu học; 40/57 trường THCS và 14/20 trường THPT có cán bộ chuyên trách y tế. Còn lại đa số các trường sử dụng cán bộ kiêm nhiệm làm công tác y tế học đường.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Ánh, Khoa Sức khỏe cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, do thiếu kinh phí nên hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho học sinh tại trường học, nhất là trẻ em mầm non còn khó khăn. Bởi lẽ, đây là những đối tượng được hưởng BHYT. Nhà trường muốn tổ chức phải phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện, nhưng lại không có kinh phí thực hiện.
Cũng theo bác sĩ Ánh, để công tác y tế học đường tại các trường học hoạt động có hiệu quả, ngoài nguồn BHYT trích lại, ngành GD-ĐT cần bố trí kinh phí đầu tư dụng cụ, cơ số thuốc cho các phòng y tế trường học, quan tâm bố trí cán bộ y tế chuyên trách cho các trường vẫn còn thiếu, đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế học đường.
Ông Đặng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện các quy định của Nhà nước về việc tuyển dụng cán bộ y tế học đường tại các trường học, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã quan tâm tuyển dụng những người tốt nghiệp trình độ từ TCCN ngành Y trở lên. Thế nhưng, những trường hợp có trình độ từ trung cấp y trở lên không chịu làm việc ở trường học nên công tác tuyển dụng gặp khó khăn. Đối với những cán bộ kiêm nhiệm công tác y tế học đường hiện nay, trong thời gian đến, ngành GD-ĐT cũng có hướng từng bước củng cố, sắp xếp lại cho phù hợp.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN