.

Rau xanh bị nhiễm khuẩn: Ăn ít, lo nhiều

.

(ĐNĐT) - Trước thông tin rau xanh bán ở chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) bị nhiễm E.coli, nhiều người dân hết sức lo lắng và đã “tự vệ” bằng cách hạn chế ăn rau, số khác thì bỏ thói quen mua rau ở chợ mà tìm đến các cửa hàng rau sạch, siêu thị...

Dân lo lắng, tiểu thương mất khách

.........
Nếu biết rửa rau đúng cách thì rau bán ở chợ vẫn có thể an toàn cho người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Bích Thủy (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho hay, dường như hàng ngày đi chợ chị luôn lo lắng về chất lượng thực phẩm, nhất là gần đây có nghe nói về việc rau xà lách và đậu côve bị phát hiện nhiễm vi sinh vật E.coli, chị càng dè chừng hơn trong khi chọn lựa rau cho gia đình.

“Nghe nhiều người bàn tán, tôi cũng hoang mang vì biết đâu mình cũng đã ăn phải rau nhiễm khuẩn đó rồi. Vì thế, thời gian gần đây tôi thường chọn mua rau củ bán trong siêu thị cho an tâm”, chị Thủy nói.

Còn theo chị Trần Thị Loan (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), qua báo chí, chị cũng có nghe nói tới vụ rau xanh ở chợ đầu mối Hòa Cường nhiễm độc. Tuy nhiên, theo chị Loan, thói quen của đa số người nội trợ hiện nay vẫn là mua thực phẩm tại các chợ hơn là siêu thị vì tiện và rau củ bán trong chợ nhìn tươi sống và đa dạng hơn.

“Hầu hết rau củ bán tại chợ thì người mua đều không rõ nguồn gốc và thường chọn theo cảm tính nên khi nghe vậy tôi cũng lo lắng. Sau vụ đó, gia đình tôi hạn chế ăn rau sống”, chị cho hay.

Theo bà Phạm Thị G., tiểu thương kinh doanh rau củ tại chợ đầu mối Hòa Cường, sau khi báo chí nêu vụ việc rau của cửa hàng bà bị nhiễm độc, các bạn hàng quen ở khắp nơi gọi điện tới thể hiện sự lo lắng và sau đó họ giảm lấy hàng khiến công việc kinh doanh điêu đứng.

“Rau của cửa hàng tôi chủ yếu lấy từ Đà Lạt về, mỗi ngày khoảng 700-800kg các loại. Sau đó, chuyển đi tiêu thụ trong các chợ ở Đà Nẵng và đưa ra cả Hà Tĩnh. Khi có tin đăng trên báo chí, cửa hàng tôi buôn bán hết sức khó khăn và ế ẩm”, bà G. cho hay.

Ông Nguyễn Công An, Phó trưởng Ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng), cho biết bình quân mỗi ngày chợ nhập 300– 350 tấn rau, củ, quả, trong đó mặt hàng rau củ, laghim chiếm số lượng ½. “Tuy nhiên, thời gian qua, lượng rau củ nhập về chợ giảm đi 50 tấn so với trước kia”, ông An nói.

Đa số rau xanh đều đảm bảo an toàn

Trước những lo lắng của người dân, ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản thành phố Đà Nẵng, cho biết, trong 26 mẫu rau củ, trái cây được lấy mẫu xét nghiệm vừa qua, đa số đều cho kết quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc hai mẫu đậu côve và rau xà lách của hộ bà G. bị phát hiện nhiễm E.coli, rất có thể là do bị nhiễm trong quá trình để rau dưới nền đất.

“Khi chúng tôi tiến hành kiểm tra thì phát hiện hai mẫu trên đang nằm sát dưới nền đất, còn các mẫu khác thì lấy trên sạp cao”, ông Tứ nói.

Theo ông Tứ, khi kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm tra mẫu sản phẩm xem chất lượng rau củ, sẽ có ba vấn đề được quan tâm là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); dư lượng kim loại nặng (như Thủy ngân, chì…) và nhóm vi sinh vật gây bệnh (như E.coli, Salmonella…).

“Tuy nhiên, khi kiểm tra các mẫu rau thì không phát hiện dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng mà chỉ phát hiện nhiễm E.coli của 2/26 mẫu thì xác suất chưa phải lớn. Với lại vi khuẩn E.coli thì khá phổ biến song không phải tất cả vi khuẩn E.coli đều có hại”, ông Tứ nói.

Để hạn chế tình trạng này, ông Tứ cho biết, sắp tới sẽ tăng cường kiểm tra nguồn gốc đầu vào sản phẩm tại các chợ trên địa bàn để kịp thời phát hiện. Đồng thời sẽ yêu cầu các tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ thực hiện đúng quy trình vận chuyển, bảo quản và bày bán rau củ để người tiêu dùng yên tâm, cũng là giúp cho người kinh doanh không bị ảnh hưởng.

“Vấn đề không phải là mua rau ở đâu hay không ăn rau, mà chính là cách xử lý rau trước khi ăn. Nếu biết rửa rau đúng cách thì rau bán ở chợ vẫn có thể an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy cách rửa truyền thống, đơn giản nhưng bảo đảm an toàn vệ sinh nhất vẫn là rửa rau xanh có lá to dưới vòi nước sạch, chảy mạnh. Cẩn thận bóc tách và rửa từng cọng rau, từng lá rau, rửa bề mặt bên này rồi đến bề mặt bên kia một cách nhẹ nhàng. Các loại rau có lá nhỏ thì phải rửa trong chậu với nước sạch nhiều lần. Cũng có thể dùng nước muối pha loãng để rửa rau cho đảm bảo”, ông Tứ nói.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.