Đến đầu năm 2013, mức viện phí mới dự kiến được áp dụng tại các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố. Việc trấn an dư luận rằng, viện phí tăng sẽ song hành với chất lượng dịch vụ tăng dường như không khỏa lấp được nỗi lo của người dân về gánh nặng chi phí khi ốm đau, bệnh tật.
Ngoài nỗi lo bệnh tật, người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo còn thêm gánh nặng một khi viện phí tăng giá. |
Gánh nặng viện phí
Chị Lê Thị Trọng (ở tổ 15, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) ôm con trai Nguyễn Gia Bảo (8 tuổi) trong tay nghẹn ngào: “Từ lúc cháu 6 tuổi và phát hiện bị ung thư máu, gia đình đã tốn hơn 200 triệu đồng để chạy chữa. Hết ra Bệnh viện Trung ương Huế, rồi về lại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tiền lo cho con cũng đã gần cạn kiệt. Mà bệnh của cháu phải điều trị dài ngày, nếu tăng viện phí nữa, chắc gia đình tôi không kham nổi”.
Gần 2 năm nay điều trị cho con, bao nhiêu tiền của trong gia đình chị Trọng cứ vơi dần theo cấp số nhân. Trong khi đó, gia cảnh hai vợ chồng cũng không khấm khá là mấy. Hiện tại, cứ mỗi tháng Gia Bảo phải vào viện khoảng 20 ngày để truyền đạm, truyền máu vì chứng giảm tiểu cầu. Cho dù có BHYT đi nữa thì chị Trọng cũng không đủ sức theo đuổi chuyện chạy chữa cho con hết tháng này sang năm nọ.
Viện phí chưa tăng nhưng đủ là gánh nặng cho rất nhiều bệnh nhân, nhất là những người bị bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày. Ông Phạm Tăng (trú huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), đang điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng than thở: “Viện phí mà tăng nữa chắc tôi về quê chờ chết chứ không kham nổi”. Ông Tăng cho biết, tháng 4-2012, ông đến Bệnh viện Đà Nẵng để mổ u đường ruột, lúc đó vì chưa có BHYT nên chi phí mổ, cộng tiền thuốc men, tiền lưu trú tại bệnh viện đã tốn hơn 10 triệu đồng. Từ sau ca mổ này, chính quyền địa phương nơi ông cư trú đã chứng nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn, giúp ông mua BHYT dành cho đối tượng hộ cận nghèo. Nhờ vậy, mỗi lần truyền hóa chất, ông chỉ đồng chi trả 20% viện phí, tương ứng với khoảng 2 triệu đồng. Đến nay, sau 4 đợt trị liệu hóa chất, cộng với chi phí ăn uống, chi phí giường bệnh, thuốc men, ông Tăng đã tốn gần chục triệu đồng. Chưa nói đến các chi phí truyền hóa chất, tiền giường bệnh cho bệnh nhân ung thư theo quy định mới của Bộ Y tế sẽ gấp 4 lần so với mức hiện nay. Đối với những người nghèo, cận nghèo như ông Tăng thì số tiền 5-20% đồng chi trả cũng là một gánh nặng khiến khó khăn chồng chất khó khăn.
Dự kiến, khoảng 447 dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ tăng giá theo quy định mới của Bộ Y tế và như thế người dân, sẽ phải chi trả nhiều hơn cho chuyện khám, chữa bệnh. Dù có BHYT hay không thì bước chân vào bệnh viện, ai cũng xác định sẽ rất tốn kém. Bởi chuyện khám bệnh không giống như mua một thứ hàng hóa, nếu không cần có thể từ chối. Đã có bệnh, vào viện thì những yêu cầu về xét nghiệm, chụp phim, siêu âm, nội soi... để chẩn đoán bệnh, người dân hầu như đều làm theo. Đó là chưa kể đến chuyện vào viện thì người bệnh còn gánh rất nhiều chi phí “phụ” khác cho các dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc men, đi lại, ăn ở...
Làm sao bớt lo?
Theo ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, viện phí mới sẽ được cân đối trên cơ sở mức sống của người dân thành phố nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để các bệnh viện có thêm kinh phí nâng cao chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, thực tế, không chỉ người dân Đà Nẵng mà có gần 30% số bệnh nhân tại các bệnh viện lớn ở thành phố như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi... đến từ các tỉnh nghèo lân cận là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đà Nẵng liệu có tính đến điều đó trong việc cân đối mức viện phí mới để không chỉ hài hòa với mức sống của người dân thành phố mà đồng thời cũng hỗ trợ được phần nào cho người dân các tỉnh lân cận.
Thêm vào đó, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2011, chỉ có 68,5% người dân hài lòng về chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế công. Trong khi đó, con số này đối với bệnh viện tư là 91,4%. Nếu tăng viện phí, liệu con số chênh lệch này giữa cơ sở y tế công và tư có giảm hay không? Một khi người dân đồng ý chi trả phần viện phí tăng thêm, liệu các cơ sở y tế công có nâng cao chất lượng phục vụ, khiến người dân thực sự hài lòng với số tiền đã bỏ ra? Hay lại quay lưng với cơ sở y tế công và tìm đến với các bệnh viện tư, chấp nhận trả thêm tiền nhưng được phục vụ tốt hơn?
Gần đây nhất, theo yêu cầu của Chỉ thị 05 mà Bộ Y tế ban hành vào ngày 10-9-2012, các cơ sở y tế phải dành tối thiểu 15% số thu khám bệnh, tiền giường bệnh theo giá dịch vụ mới để sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp, bổ sung thiết bị và các điều kiện phục vụ người bệnh. Nếu thực hiện đúng như vậy, người dân có thể bớt phần nào nỗi băn khoăn về điều kiện khám, chữa bệnh. Đó là lộ trình lâu dài. Còn trước mắt, cách tốt nhất để người dân giải tỏa lo lắng về viện phí là mua BHYT để phòng thân. Và Đà Nẵng đang nỗ lực khuyến khích người dân mua BHYT để đạt đến độ bao phủ trên 90% trong năm nay.
Bài và ảnh: HÀ AN