(ĐNĐT) - Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 4-11, toàn thành phố đã ghi nhận 465 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 53/56 xã (phường), tăng 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2011.
Tránh để những vũng nước đọng, những vật dụng chứa nước, không có môi trường cho bọ gậy, lăng quăng sinh sống, phát triển, thì sẽ hạn chế tình trạng dịch bệnh SXH. |
Trong đó, tổng số ca mắc được giám sát và xử lý là 351 ca, có 23 ổ dịch nhỏ tại cộng đồng. Không có trường hợp tử vong.
Theo Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, có một thực trạng đang tồn tại khá phổ biến ở nhiều địa phương là người dân cho rằng dịch SXH là loại dịch quen thuộc, năm nào cũng xảy ra nên chính quyền địa phương và người dân chủ quan, thờ ơ trong việc tự giác diệt muỗi, lăng quăng… để phòng chống bệnh SXH.
Bên cạnh đó, vệ sinh môi trường tại một số khu dân cư, các khu công nhân và sinh viên nhập cư trên địa bàn thành phố xuống cấp, mùa mưa đến tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh, khiến công tác quản lý, giám sát và xử lý ca bệnh SXH gặp khó khăn, phức tạp.
Cũng theo bác sĩ Thạnh, hiện hai phường Hòa Cường Bắc và phường Hòa Cường Nam (thuộc quận Hải Châu) đang là điểm “nóng” về dịch SXH trên địa bàn.
Chính vì vậy, theo bác sĩ Thạnh, biện pháp chính hiện nay vẫn là phòng bệnh. Cùng với đó, phải tích cực tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh.
“Quan trọng nhất vẫn là ở nhận thức của mỗi người dân trong việc đảm bảo vệ sinh quanh khu vực nhà ở. Tránh để những vũng nước đọng, những vật dụng chứa nước, không có môi trường cho bọ gậy, lăng quăng sinh sống, phát triển, thì sẽ hạn chế tình trạng dịch bệnh tăng”, bác sĩ Thạnh nhấn mạnh.
Đắc Mạnh