.
QUẢN LÝ HÀNH NGHỀ Y HỌC CỔ TRUYỀN

Tùy tâm của lương y

.

Những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hành nghề y học cổ truyền (YHCT) được phát hiện trong năm 2012 cho thấy thực trạng đáng quan ngại về việc quản lý hoạt động này. Song, thật không dễ để kiểm soát chất lượng khám, chữa bệnh theo YHCT, vì nhiều lý do...

Lương y có tri thức, có tâm với nghề.
Lương y có tri thức, có tâm với nghề.

Giá thuốc vô chừng

Theo thống kê, đến cuối năm 2012, trên địa bàn thành phố có 261 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh YHCT. Khác với tây y, đối với ngành đông y, việc điều chế thuốc có những cách thức riêng, “thầy nào thuốc đấy”. Vì vậy, việc định giá thuốc ở những cơ sở hành nghề YHCT cũng khác nhau với lý do cách thức sao tẩm, điều chế thuốc mỗi nơi mỗi khác về quy trình, thời gian, tổng loại thuốc cần dùng... Việc quản lý giá thuốc xem ra rất khó khăn đối với cơ quan chức năng. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng Quản lý hành nghề, Sở Y tế, giá thuốc do thầy thuốc đông y tự đề ra, Sở chỉ quản lý việc họ có niêm yết giá thuốc công khai và bán đúng với giá niêm yết hay không.

Là người công tác lâu năm trong ngành YHCT, lương y Trần Hữu Nam, Phó Chủ tịch Hội Đông y thành phố cho biết, hiện nay, các cơ sở YHCT thường mua thuốc Nam do người dân tự mang đến bán hoặc mua thuốc Bắc tại các đại lý kinh doanh thuốc với quy mô lớn của người Hoa như Thành Phát Đường, Cẩm Sơn... Giá bán thuốc cũng dựa theo giá mà thầy thuốc mua từ các đại lý, thêm vào đó, còn phụ thuộc vào cách thức sao tẩm, điều chế. Sự khác nhau về giá thuốc giữa các cơ sở hành nghề YHCT là ở lý do đó.

Khó thẩm định chất lượng thuốc

Giá thuốc là một chuyện nhưng quan trọng hơn là chất lượng thuốc có bảo đảm đúng như lời của các lương y hay không lại là chuyện khác. Một thực trạng đáng báo động hiện nay là việc sử dụng lưu huỳnh để bảo quản thuốc Bắc để tránh bị mốc, ẩm, mọt. “Một số loại thuốc để tránh ẩm, mốc, thầy thuốc thường tẩm rượu rồi phơi khô. Nhưng bây giờ, không ít nơi bán thuốc Bắc với số lượng lớn, lại để lâu nên tẩm lưu huỳnh để bảo quản. Nếu người dân không biết, sử dụng lâu dài có thể dẫn đến bị ung thư”, lương y Trần Hữu Nam chia sẻ.

Cũng theo lương y Trần Hữu Nam, người bán thuốc thậm chí còn làm giả thuốc bằng nhiều thủ đoạn. “Nhung hươu mà còn làm giả y như thật, hoặc có người còn dùng hột keo thay cho loại thuốc Hắc táo nhơn... Nếu không có chuyên môn sâu về ngành đông y và không có lương tâm của người thầy thuốc thì việc lừa dân bán thuốc không đúng thành phần, chủng loại cũng rất dễ dàng”, ông Nam khẳng định.
Khi tìm đến với các cơ sở YHCT, người dân không thể phân biệt được loại thật, loại giả, loại được sao tẩm đúng cách, đúng quy trình. Họ tin vào thầy thuốc bởi khi “có bệnh thì vái tứ phương”, chỉ mong chữa lành bệnh chứ làm sao biết được thuốc đông y có tẩm lưu huỳnh không (?!). Thêm vào đó, lương y Trần Hữu Nam cũng cho biết, thuốc đông y được đánh giá theo 5 loại với chất lượng xếp thứ tự từ 1-5. “Ở những nước tiên tiến, văn minh hơn như Nhật Bản, họ có máy móc để thẩm định chất lượng thuốc nên họ thường dùng thuốc tốt, thuộc nhóm 1 và 2. Trong khi đó, tại Việt Nam, rất ít nơi thẩm định được chất lượng thuốc đông y, nên người ta dùng tất cả các loại”, ông Nam nói. Như thế, dù thuốc chất lượng chỉ ở mức độ 5 nhưng người bán khẳng định là loại 1 thì người mua không phải trong ngành đông y sẽ không thể phân biệt được.

“Xã hội cũng có người tốt kẻ xấu, trong ngành y cũng có những “lương y chưa như từ mẫu”. Thế mới có trường hợp thầy thuốc trộn tân dược, bán thuốc giá cao… Người thầy thuốc phải có chuyên môn, có đạo đức chứ không thì chỉ tội cho người dân thôi”, lương y Trần Hữu Nam khẳng định.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.