(ĐNĐT)- Chiều 13-1, bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong 3 trường hợp là người lớn (trong đó có một ca ở Quảng Ngãi và hai ca ở Quảng Nam) bị nhiễm liên cầu lợn (Streptococuccus II) điều trị tại bệnh viện đã được xuất viện.
Trong đó, bệnh nhân điều trị lâu nhất kéo dài 28 ngày và ngắn nhất là 21 ngày. Bệnh nhân cuối cùng trong 3 trường hợp này cũng xuất viện cách đây 2 ngày.
Trước đó, các bệnh nhân này nhập viện và bị nghi ngờ nhiễm trùng huyết. Qua điều tra dịch tễ học cho thấy, hai trường hợp có liên quan chăn nuôi lợn tại gia đình, ăn thịt lợn nướng và một trường hợp qua khai báo không rõ tiền sử tiếp xúc nguồn bệnh.
Kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng và Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, các bệnh nhân này bị nhiễm liên cầu lợn.
Trước tình hình bệnh liên cầu lợn có nguy cơ xâm nhập và bùng phát trên địa bàn, nhất là vào thời điểm giáp Tết, Sở Y tế đề nghị người dân không giết mổ hay tiêu thụ thịt lợn ốm, lợn chết; thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt, hay phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với người có nguy cơ cao khi buộc phải tiếp xúc với lợn ốm, chết cần có phương tiện phòng hộ như găng tay dày, ủng, kính bảo vệ mắt; rửa tay bằng xà phòng trước và nhất là sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn.
Khi có vết thương hở, các xây xát rách da ở tay, chân không nên giết mổ hoặc chế biến thịt tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc.
Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột ở người có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn ốm, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.
Đắc Mạnh