.

Chẩn đoán giới tính thai nhi: Vô tư “xé” luật

.

Hỏi bất cứ bà bầu 4 tháng nào về giới tính đứa trẻ mình đang mang trong bụng, họ đều trả lời rành rọt. Trong khi đó, chẩn đoán giới tính thai nhi bằng xét nghiệm, siêu âm... đều bị coi là vi phạm pháp luật.

Trước khi đứa bé chào đời, nhiều bậc cha mẹ đã biết giới tính của con.
Trước khi đứa bé chào đời, nhiều bậc cha mẹ đã biết giới tính của con.

Nghị định số 104/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số nêu mọi hành vi như: phổ biến các biện pháp tạo giới tính, chẩn đoán giới tính thai nhi bằng xét nghiệm máu, siêu âm, hoặc loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý. Bên cạnh đó, Điều 1 Nghị định số 104/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em nêu rõ: “Lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật về dân số và trẻ em, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này”.

Cấm thì cấm, biết vẫn biết

Luật là vậy, nhưng thực tế, bà bầu nào cũng dễ dàng biết giới tính thai nhi. Mấy hôm nay, gia đình chị N. (32 tuổi, nhân viên kế toán, mang thai 20 tuần) luôn sống trong trạng thái phấn khởi vì sắp chào đón một “công chúa”. Chị N. đã có một bé trai đầu lòng, khi mang thai lần hai, chị mong ước có con gái cho đủ nếp, đủ tẻ. Ước mơ đã thành hiện thực khi cách đây không lâu, chị N. đi siêu âm và biết chính xác giới tính đứa con trong bụng.

Chị N. hoàn toàn không phải là trường hợp hiếm biết trước giới tính thai nhi. Một thai phụ khác cho biết: “Tôi đến một phòng khám khá nổi tiếng trong thành phố, bên ngoài họ dán thông báo không cho biết giới tính, nhưng bên trong bác sĩ lại rất nhiệt tình cho biết tôi có bé trai”.

Kết quả điều tra biến động dân số năm 2007 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ biết giới tính của thai nhi trước khi sinh chiếm 63,5%. Tỷ lệ này biến đổi qua các năm: năm 2003-2004, tỷ lệ phụ nữ biết giới tính của con mình trước khi sinh là 61%; năm 2005-2006 tỷ lệ này tăng lên đến 66%. Trong số những người biết trước giới tính thai nhi có 98% biết qua phương pháp siêu âm.

Ý kiến trái chiều

Đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc cấm chẩn đoán giới tính thai nhi. Không ít người cho rằng, được biết giới tính sinh linh mình đang mang nặng là quyền của mỗi bà mẹ. Hơn nữa, đây thật sự là nhu cầu phổ biến của mọi người. Cùng với việc biết trước giới tính, người mẹ sẽ có sự chuẩn bị tâm lý và mua sắm các vật dụng phù hợp với từng đứa trẻ. Rất nhiều người “xé” luật là minh chứng cho nhu cầu bức thiết ấy.

Tuy nhiên, từ phía các sản phụ cũng có những ý kiến ngược lại. Họ cho rằng, luật cấm là đúng. Bởi từng có nhiều trường hợp biết trước trai, gái nên tâm trạng người mẹ bị suy sụp hoặc họ sẽ tìm cách phá bỏ.

Điều đáng nói, theo kết quả điều tra biến động dân số, tỷ lệ phụ nữ có trình độ học vấn cao biết trước giới tính thai nhi cao hơn phụ nữ trình độ học vấn thấp. Nhóm phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, nơi kỹ thuật xác định giới tính trước sinh còn hạn chế, phần lớn đều không biết về giới tính thai nhi. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm tham gia lựa chọn giới tính thai nhi cao thuộc về những người có học vấn.

Xuất phát điểm đầu tiên của việc lựa chọn giới tính chính là biết trước giới tính thai nhi. Các nghiên cứu khoa học đã kết luận như vậy. Trong khi đó, tâm lý chuộng con trai vẫn khá phổ biến trong xã hội hiện nay, không ngoại trừ các gia đình trẻ, có lối sống hiện đại. Điều này khiến những quan ngại về việc nhiều người còn dùng biện pháp chẩn đoán giới tính để sàng lọc con là có cơ sở. Có điều, không cấm thì thôi, việc đã cấm mà vẫn như không thì cần được bàn lại.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.