(ĐNĐT)- Việc điều chỉnh khung giá viện phí mới từ ngày 1-1-2013 tại các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là một chủ trương hợp lý để phát triển ngành y tế. Đối với người dân, mong muốn hơn cả là chất lượng khám, chữa bệnh sẽ được cải thiện song hành với mức tăng viện phí.
Người dân mong muốn chất lượng khám, chữa bệnh cải thiện song hành với việc tăng viện phí. Ảnh: V.Dũng |
Sau hơn 10 ngày áp dụng khung giá viện phí mới, các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố đang rốt ráo chuẩn bị các biện pháp tăng khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.
Thân thiện, nhiệt tình với bệnh nhân
Theo ghi nhận của chúng tôi, Bệnh viện Đà Nẵng đã và đang nâng cấp cơ sở vật chất ở các khoa, phòng để có chất lượng phục vụ, điều trị cho bệnh nhân tốt nhất. Từ cái quạt, máy điều hòa, công tác dọn vệ sinh môi trường ở bệnh viện cũng được lãnh đạo bệnh viện hết sức quan tâm.
Đặc biệt, Bệnh viện Đà Nẵng đã trang bị toàn bộ hệ thống điều hòa tại các buồng khám bệnh, đầu tư khu ngồi chờ cho người bệnh; đồng thời, hợp đồng thêm nhân viên để chỉ dẫn và hướng dẫn bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Đăng kí khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Đ.Mạnh |
Bà Đặng Thị Kim Lan (50 tuổi, trú quận Liên Chiểu) cho biết, bà thường xuyên khám và lấy thuốc tại Bệnh viện Đà Nẵng. “Trước đây đến khám rồi chờ nhận thuốc cũng cả tiếng đồng hồ. Nhưng khi viện phí tăng, đây là lần đầu tiên tôi đến thì thấy được khám liền. Thái độ của các bác sĩ (BS) ở đây cũng thân thiện, nhiệt tình hơn. Việc hướng dẫn lấy thuốc rồi dặn dò cũng rất kỹ lưỡng”.
Ông Phạm Lâu (57 tuổi, quê huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bị suy thận mãn, đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng một năm rưỡi nay, chia sẻ: “Lúc mới nghe tăng viện phí tôi lo lắm vì bệnh của tôi phải điều trị lâu dài. Tiền thuốc men đã có bảo hiểm y tế (BHYT) trả bớt nên cũng đỡ; còn tiền ăn, ở và viện phí mỗi tháng cũng hơn 3 triệu đồng. Nhưng ở Bệnh viện Đà Nẵng có trang bị đủ máy chạy thận, BS tận tình, thuốc men đầy đủ, sức khỏe tôi cải thiện nhiều nên tôi nghĩ tăng viện phí cũng hợp lý”.
Bệnh nhân Nguyễn Tuấn (quê Đại Lộc, Quảng Nam) đã điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng 5 ngày. Anh Tuấn cho biết, dù khá lo lắng về việc viện phí tăng, nhưng mong mỏi của những người bệnh như anh là chất lượng dịch vụ được cải thiện, không phải nằm ghép, xếp hàng rồng rắn chờ khám như thời gian qua.
Tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, bệnh nhân Lê Thị Thanh, công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh cho rằng: “Việc tăng viện phí là cần thiết. Nhưng khi đã tăng thì phải sử dụng hiệu quả các dịch vụ chữa bệnh. Các bệnh viện cần làm sao cho người dân đi khám bệnh được nhanh chóng và thuận lợi hơn, chứ trước đây đi khám bệnh, tụi em rất ngại đến các cơ sở y tế công”.
Bệnh nhân nhận thuốc tại TT Y tế quận Thanh Khê. Phía trước khu vực này có gắn tấm bảng "Không nặng lời, không thờ ơ, không vô cảm với bệnh nhân" tạo nhiều ấn tượng cho người bệnh. Ảnh: Đ.Mạnh |
Tại khu vực đăng ký khám bệnh ở Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, bảng giá dịch vụ y tế đã được dán công khai. BS Phan Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm này cho biết, sau khi áp dụng giá viện phí mới, lãnh đạo Trung tâm đã tổ chức họp toàn bộ cán bộ, nhân viên yêu cầu mỗi người phải tự rèn luyện, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân. Bất cứ người dân có thắc mắc gì đều phải giải thích một cách rõ ràng.
“Có thể những tuần đầu tiên, nhiều người dân sẽ thắc mắc với mức giá mới nên chúng tôi phải giải thích cặn kẽ và cũng xem xét duyệt giảm, thu theo mức giá cũ cho người dân trong vòng 1 tháng đầu. Bởi người dân đến với chúng tôi đa số là khó khăn, nên làm sao để họ cảm thấy an tâm là quan trọng nhất”, BS Phương nói.
BS Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng khẳng định: Việc tăng viện phí lần này không ảnh hưởng gì tới bệnh nhân có BHYT. Nhưng những bệnh nhân không có BHYT thì sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc hướng tới bảo hiểm toàn dân là cần thiết và người dân cũng nên chủ động mua BHYT để tự đề phòng trước. “Nếu trước đây, cứ 10 người đến khám chữa bệnh tại bệnh viện thì ít nhất 4 người không có thẻ BHYT, thế nhưng từ khi giá viện phí được điều chỉnh, đa số các bệnh nhân đến khám chữa bệnh đều có thẻ BHYT”, BS Nhân cho biết.… |
Nâng cao chất lượng điều trị
BS Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, từ ngày áp dụng giá viện phí mới, đơn vị đã rà soát lại tất cả các giường bệnh ở từng khoa để bố trí lại cho phù hợp. Khoa nào có số bệnh nhân đông, bệnh viện đã chủ động sắp xếp lại cho hợp lý; đồng thời tăng cường phục vụ ở từng khâu, từng bộ phận, tránh để bệnh nhân chờ đợi lâu. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tăng cường đầu tư thiết bị, triển khai các kỹ thuật mới trong khám và điều trị bệnh.
“Hiện chúng tôi đang đầu tư sửa lại khoa Nhi thành khoa mới, tăng thêm giường bệnh, các trang thiết bị hiện đại; đồng thời, đang xúc tiến mua thêm 3-4 máy chạy thận… Vì thế, người bệnh cũng sẽ được hưởng các dịch vụ chất lượng tốt hơn”, BS Nhân cho hay.
Tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Đ.Mạnh |
Cũng theo BS Nhân, việc điều chỉnh tăng viện phí sẽ giúp bệnh viện thuận lợi và chủ động hơn trong việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị cũng như áp dụng các ký thuật mới trong công tác khám, chữa bệnh.
Còn theo BS Phan Thanh Phương, thực hiện Chỉ thị của Bộ Y tế về việc tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đến nay Trung tâm đã có chuyển biến rõ rệt cả về tinh thần, thái độ, cung cách phục vụ bệnh nhân cũng như các quy trình, chất lượng khám, chữa bệnh…
“Trung tâm cũng đã trang bị bổ sung từ máy móc, thiết bị đến bàn ghế, giường… cho người bệnh. Đặc biệt, dù là bệnh viện hạng 3 nhưng trung tâm đã có máy siêu âm màu, siêu âm 4D, X quang kĩ thuật số, xét nghiệm sinh hóa tự động… Chúng tôi vẫn đang tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phòng khám và trang thiết bị máy móc nhằm phục vụ cho người dân tốt hơn”, BS Phương nói.
Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện tại Đà Nẵng mới thực hiện theo giá viện phí mới nên chưa thể đánh giá cụ thể chất lượng phục vụ ra sao, song chắc chắn chất lượng sẽ tăng dần theo thời gian.
Theo BS Chiến, ở Bệnh viện Đà Nẵng thì quá tải cả khám và điều trị nội trú, nhưng ở bệnh viện quận/huyện thường chỉ quá tải khâu khám bệnh.
“Chúng tôi sẽ căn cứ vào số lượng bệnh nhân để tăng cường chất lượng, tăng số bàn khám, mở rộng phòng khám, bố trí tăng số lượng nhân viên tiếp nhận bệnh nhân cho phù hợp. Máy móc cũng đầu tư nhiều thêm; hệ thống cấp số tự động hóa sẽ rút ngắn thời gian người dân chờ tới lượt khám. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cũng được cải cách, thái độ phục vụ cũng thân thiện hơn”, BS Chiến nói.
Ông lấy ví dụ, khi sử dụng máy móc hiện đại để mổ ruột thừa bằng phương pháp nội soi thì thời gian nằm viện chỉ cần 3 ngày thay vì kéo dài tới 10 ngày như trước. Do đó, sẽ giúp giảm tối đa gánh nặng chi phí cho bệnh nhân.
“Phát triển y tế phục vụ người dân là liên tục. Tăng viện phí là theo lộ trình của Nhà nước, song không tăng thì ngành y tế vẫn phải phục vụ tốt nhất cho người dân. Đà Nẵng đã cơ bản đầu tư trang thiết bị, phòng khám… từ trước, nay vốn đầu tư tăng thêm thì sẽ tiếp tục đầu tư làm tốt hơn nữa, nhất là thái độ phục vụ của các nhân viên y tế”, BS Chiến nhấn mạnh.
Đắc Mạnh-Trọng Hùng